Trong vòng một tuần lễ đầu tháng 5.2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã liên tiếp đưa ra 2 đề xuất gửi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Thứ nhất, VFA xin kéo dài thời hạn vay tạm trữ mua lúa gạo vụ đông xuân 2012-2013 thêm 3 tháng cho các doanh nghiệp (DN) do tình hình xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, từ những khó khăn đó, VFA xin rút khỏi trách nhiệm thu mua tạm trữ và đề xuất Chính phủ đưa chương trình về cho các địa phương đảm nhận.
Công tác tạm trữ hiện vẫn không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp. |
Địa phương ngơ ngác?
Trước thông tin VFA “trả dây cương” lại cho các địa phương lo việc tạm trữ lúa hè thu sắp tới, nhiều quan chức ngành nông nghiệp sửng sốt. Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An, ngơ ngác: “Giao lại cho địa phương tạm trữ là giao như thế nào? Sao có thể làm được? Kho đâu, tiền đâu mà tạm trữ? Rồi ai lo đầu ra? Tôi cho rằng nếu Nhà nước chưa có giải pháp nào hay hơn thì hãy cứ để như cũ, giao cho VFA họ làm” – ông Đức nói.
Ông Đặng Văn Lớp - Giám đốc Sở Công Thương Long An giải thích, thực tế thời gian qua trong công tác tạm trữ có sự bất cập trong việc giao chỉ tiêu cho các địa phương. Nhiều nơi có lúa nhiều nhưng chỉ tiêu lại giao ít, và ngược lại. Thời gian tạm trữ cũng chưa đáp ứng yêu cầu tiêu thụ, nông dân thu hoạch gần hết mới cho tạm trữ nên không làm tăng giá lúa của nông dân; không rõ ràng trong phân bổ và kiểm tra quá trình thực hiện mua tạm trữ...
Không đồng tình với ý kiến trên, ông Lâm Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, việc thu mua lúa gạo hiện nay không còn ranh giới địa phương, DN tỉnh này có thể thu mua lúa ở tỉnh khác với số lượng lớn. “Ngay như DN tôi đóng trụ sở tại Bến Tre nhưng cũng đầu tư kho, nhà máy chế biến tại Tiền Giang, An Giang để tiện cho việc thu mua và tạm trữ lúa gạo. Không thể bắt Công ty Thịnh Phát chỉ thu mua lúa tại Bến Tre, như vậy sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu gạo nguyên liệu của DN cũng như không tiêu thụ kịp thời lúa gạo ở những địa phương có sản lượng lớn hơn” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, cơ sở để VFA phân chỉ tiêu thu mua tạm trữ là năng lực chế biến của từng DN để có thể cùng tác động vào thị trường thời điểm đó, góp phần giữ giá lúa, gạo. Do đó, tùy tình hình, khả năng của từng DN mà VFA phân bổ chỉ tiêu hợp lý cho DN.
Cần hợp tác chặt chẽ hơn
Chuyên gia lĩnh vực lúa gạo - GS Võ Tòng Xuân cho rằng nếu giao cho các địa phương thu mua tạm trữ lúa gạo thì rất khó thực hiện được vì thiếu sân phơi, kho chứa... Vả lại, chính quyền địa phương cũng không thể kiểm soát nổi khi nông dân bán quá nhiều loại giống lúa khác nhau.
Ông Phạm Văn Đông – Giám đốc Công ty cổ phần Nông lâm sản Kiên Giang (Kigifac) cũng chỉ ra rằng, việc tạm trữ lúa gạo ở Việt Nam không giống Thái Lan mà chỉ là khi giá lúa xuống sâu, DN thu mua tạm trữ để neo giá, đảm bảo giữ hiệu quả sản xuất cho nông dân. Do đó, không thể yêu cầu giá gạo phải tăng cao trong quá trình tạm trữ mà nên hài lòng với việc giá lúa được giữ ở mức có lời cho nông dân, không bị tụt giá quá thấp.
Do đó, theo ông Đông, để hài hòa quan điểm trong việc tạm trữ lúa gạo khi chưa có cơ chế mới thì VFA nên kết hợp với địa phương trong việc đăng ký sản lượng tạm trữ, tỉnh nào sản xuất nhiều thì phân bổ số lượng lúa gạo tạm trữ nhiều hơn.
Ông Đặng Văn Lớp cũng cho rằng nên có hợp tác chặt chẽ hơn giữa địa phương với VFA trong việc tạm trữ. VFA nên giao việc phân bổ chỉ tiêu cho địa phương tự bàn bạc, cân đối rồi giao lại cho DN, trong đó đặc biệt ưu tiên phân cho DN có vùng nguyên liệu, cánh đồng mẫu. “Nếu giao về cho tỉnh, tỉnh sẽ dựa trên lịch xuống giống của địa phương để quyết định thời điểm tạm trữ, gần với thời điểm thu hoạch rộ nhất. Hơn nữa, tỉnh cũng nắm rõ sản lượng lúa gạo trên địa bàn nên cũng dễ dàng hơn trong việc quyết định quy mô tạm trữ. Việc này cũng cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành trong cả nước và các địa phương lân cận” - bà Mai Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Sở Công Thương An Giang giải thích thêm.
Ngọc Minh - Thuận Hải