Các Ngân hàng thương mại, trong đó có Agribank hiện cũng đưa ra nhiều giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (Ảnh: Trọng Hiếu)
Thanh toán chuyển tiền đạt trên 47 triệu giao dịch/năm
Ông Nguyễn Việt Hải – Trưởng Ban nghiên cứu phát triển sản phẩm dịch vụ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) cho biết: Từ khi thành lập đến năm 2006, Agribank đã khẳng định vai trò chủ đạo chủ lực trong đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân với tỷ trọng đầu tư chiếm trên 70% tổng dư nợ, các dịch vụ Agribank cung cấp chủ yếu là các sản phẩm dịch vụ truyền thống.
Ông Hải cũng cho biết, từ năm 2006, thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 tầm nhìn 2020 của Thủ tướng Chính Phủ, Agribank đã tập trung xây dựng nền tảng quan trọng để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cụ thể: Agribank triển khai hàng loạt các dự án công nghệ quan trọng như hệ thống core banking kết nối thanh toán trực tiếp của toàn bộ các chi nhánh trên toàn hệ thống, kết nối với tổ chức thẻ quốc tế Visa và Công ty chuyển mạch tài chính quốc gia Banknet, nâng cấp mạng truyền thông, kết nối trực tuyến với các công ty chứng khoán, cung cấp dịch vụ SMS banking là tiền đề quan trọng để phát triển E-banking. Bên cạnh đó, Agribank đã nghiên cứu xây dựng quy trình nghiệp vụ thanh toán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán với dung lương này càng cao của nền kinh tế qua hệ thống Agribank.
Cũng theo ông Nguyễn Việt Hải, từ giai đoạn từ năm 2008 đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở các bước chuẩn bị về hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống các văn bản quy trình nghiệp vụ thanh toán đã từ giai đoạn trước và từ năm 2008 đến nay Agribank đã xây dựng mục tiêu phát triển, hoàn thiện hệ thống kênh phân phối, đa dạng hóa, gia tăng tiện ích SPDV gắn liền với nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác khách hàng và quảng bá sản phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã và đang thực hiện một số định hướng và giải pháp như:
Đa dạng hóa các kênh thanh toán với hệ thống kênh phân phối của Agribank đã phát triển đa dạng, hiện đại hơn, giúp khách hàng có thể tiếp cận dịch vụ của Agribank mọi lúc, mọi nơi. Đến nay Agribank có hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp vùng miền cả nước, trải rộng từ địa bàn đô thị, thành phố lớn đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và được đầu tư lớn về cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, các hệ thống thiết bị kỹ thuật và phần mềm ứng dụng đáp ứng nhu cầu về dịch vụ thanh toán của khách hàng.
Phát triển các sản phẩm thanh toán, tiện ích dịch vụ đi kèm, với định hướng chuyển đổi từ kinh doanh chủ yếu dựa vào cấp tín dụng sang phát triển kinh doanh đa dạng về dịch vụ, Agribank đã đưa ra thị trường hơn 200 sản phẩm dịch vụ (SPDV) đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng và nền kinh tế trong đó bên cạnh các sản phẩm truyền thống như huy động vốn, tín dụng, thanh toán, Agribank cung cấp hơn 50 sản phẩm dịch vụ mới trên các kênh phân phối hiện đại như ATM/POS/EDC, Mobile banking, Internet Banking đến khách hàng cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước. Số lượng tài khoản TGTT của Agribank đạt gần 11 triệu tài khoản cá nhân, gần 300 nghìn tài khoản doanh nghiệp, tổ chức, số lượng giao dịch thanh toán đạt gần trên 47 triệu giao dịch/năm.
Việc giao dịch bằng ô tô chuyên dụng của Agribank được coi là mô hình đem lại hiệu quả kép (Ảnh: IT)
Thói quen dùng tiền mặt của nông dân
Ông Nguyễn Việt Hải cho biết, Agribank cũng đã và đang tiếp tục tạo thuận lợi khuyến khích khách hàng mở tài khoản tại Agribank. Theo cơ sở dữ liệu của Global Findex do Ngân hàng thế giới công bố năm 2017, tỷ lệ người trưởng thành tại Việt Nam có tài khoản ngân hàng ở khu vực nông thôn là 25,2%, Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có mức độ tiếp cận các dịch vụ tài chính ở mức thấp.
Trong chiến lược phát triển dịch vụ giai đoạn 2016-2020, Agribank xác định phát triển SPDV lấy khách hàng là trọng tâm, mở rộng cơ sở khách hàng, phát triển khách hàng mở tài khoản và sử dụng dịch vụ tiện ích cụ thể như sau: Phát triển khách hàng mở tài khoản thanh toán đi đôi với cung ứng các giải pháp thanh toán đồng bộ cho các đối tượng khách hàng; Vận động khách hàng mở tài khoản thanh toán và thực hiện giải ngân qua tài khoản đối với khách hàng vay vốn tại Agribank...
Tuy nhiên, đại diện Agribank cũng cho rằng, việc đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng cũng như Agribank hiện nay gặp nhiều khó khăn. Tại Việt Nam có khoảng 2/3 dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp thủy hải sản đóng góp khoảng 20% tổng GDP. Nhu cầu về vốn và các dịch vụ phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống, phát triển nông nghiệp và nông thôn nói chung và kinh tế hộ gia đình nói riêng là rất lớn từ đó mở ra không ít cơ hội cũng như thách thức đối Agribank trong việc tiếp cận, giới thiệu và cung ứng dịch vụ đến khách hàng tại khu vực này.
Việc đẩy mạnh cung ứng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại nông thôn có một số khó khăn gồm: Hiểu biết về dịch vụ ngân hàng nói chung và các dịch vụ thanh toán nói riêng của dân cư còn ít, thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn phổ biến; Mức độ tiếp cận công nghệ mới, hiện đại, yếu tố quan trọng trong thanh toán không dùng tiền mặt thấp; Đối với ngân hàng tại địa bàn nông thôn rộng lớn, dân số đông đòi hỏi đầu tư lớn cho hệ thống thanh toán, chi phí hoạt động cao
Đại diện ngân hàng Agribank cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Bộ, ngành có cơ chế liên quan đến phí để hạn chế các giao dịch tiền mặt (như phí rút tiền mặt tại ATM, quầy giao dịch ...). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan Bộ, ngành có chính sách định hướng khuyến khích người dân đặc biệt khu vực nông thôn tiếp cận và sử dụng các dịch vụ viễn thông, công nghệ hiện đại như điện thoại di động, internet, dịch vụ 3G, 4G,..trên cơ sở đó tiếp cận các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh ngân hàng hiện đại như mobile banking, internet banking |