Dân Việt

Thanh toán không dùng tiền mặt: Quan trọng là thay đổi nhận thức

Nhật Minh 28/09/2018 11:38 GMT+7
Phát biểu tại Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”, nhiều ý kiến cho rằng, nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng.

Sáng 28.9.2018, tại Hà Nội, Báo Nông thôn ngày nay thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN, một số Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”.

Đã thí điểm nhiều dịch vụ

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam nói chung đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ; khuôn khổ pháp lý ngày càng được hoàn thiện; cơ sở hạ tầng, công nghệ phục vụ TTKDTM đã có bước phát triển theo hướng hiện đại; các phương tiện và dịch vụ thanh toán phat triển đa dạng, nhiều phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán mới, hiện đại, tiện ích đã ra đời, đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán cũng như yêu cầu của nền kinh tế; nhận thức, thói quen của người dân, doanh nghiệp về TTKDTM có sự chuyển biến mới.

Ông Sơn cũng cho biết, để thúc đẩy TTKDTM ở khu vực nông thôn, NHNN đã xây dựng và triển khai Đề án thí điểm một số hình thức TTKDTM ở khu vực nông thôn, qua đó sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn để mở rộng, thúc đẩy TTKDTM trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

img 

Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN (bên phải) tham gia tọa đàm tại Hội nghị

Đến nay, NHNN đã chấp thuận triển khai thí điểm 3 mô hình: Dịch vụ chuyển tiền nhanh của NHTMCP Xăng dầu Petrolimex trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các chi nhánh, cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tại các khu vực nông thôn; Dịch vụ chuyển tiền giá trị nhỏ của NHTMCP Ngoại thương Việt Nam trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới các đại lý viễn thông của Công ty Cổ phần Di động Trực tuyến (M_Service) ở khu vực nông thôn; Dịch vụ chuyển tiền của NHTMCP Quân đội trên cơ sở hợp tác sử dụng mạng lưới của Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ở địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo. Tính đến cuối quý I/2018, các mô hình thí điểm trên đã xây dựng được trên 72.000 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trên toàn quốc, phục vụ cho khoảng 7 triệu lượt khách hàng bao gồm cả các khách hàng chưa có tài khoản tại ngân hàng.

Hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông được phát triển rộng khắp, khá tiên tiến, kể cả khu vực nông thôn, hải đảo, phục vụ tốt cho TTKDTM; đến cuối tháng 5/2018, tổng số thuê bao di động đạt mức gần 124 triệu; có khoảng 52% dân số Việt Nam sử dụng Internet (đạt mức cao so với các nước trong khu vực), tạo cơ sở để mở rộng phát triển thanh toán qua Internet và di động trong thời gian tới.

Thừa nhận những chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian vừa qua, song theo ông Phạm Tiến Nam – Phó chủ tịch hội nông dân Việt Nam bày tỏ “Đến thời điểm hiện nay việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đặc biệt là khu vực nông nghiệp vẫn có tới 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, 99% sử dụng tiền mặt khi thanh toán các mặt hàng dưới 100 nghìn đồng và có tới gần 85% giao dịch tại ATM là giao dịch rút tiền”.

Lý giải cho việc 90% chi tiêu hằng ngày sử dụng tiền mặt, lãnh đạo Hội nông dân Việt Nam nhấn mạnh “Đối với những vùng khó khăn như nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc rút, sử dụng và trả nợ của người vay bằng tiền mặt còn rất lớn. Đối với các hợp tác xã, các hộ sản xuất kinh doanh cá thể, chủ trang trại, tỷ trọng sử dụng tiền mặt còn lớn hơn. Thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu, bén rễ vào tiềm thức của dân chúng, cho nên việc triển khai thanh toán KDTM gặp nhiều khó khăn", ông Phạm Tiến Nam cho biết.

img 

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị “Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn”. (Ảnh: Trọng Hiếu) 

Ông Nam cũng lưu ý thêm rằng, tiêu dùng trong nước nói chung và người nông dân, nông thôn nói riêng thường sử dụng tiền mặt bởi phương thức thanh toán này rất nhanh, thuận tiện, không phức tạp và được chấp nhận ở mọi nơi. Ngoài ra, tiền mặt giúp họ dễ dàng quản lý ngân sách mà không lo phát sinh chi phí; đồng thời thanh toán bằng tiền mặt bảo đảm an toàn, riêng tư bởi không để lại dấu vết giao dịch và không lộ thông tin cá nhân.

Giải pháp nào để thúc đẩy?

Bàn về giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ thanh toán, NHNN đề xuất “Muốn phát triển thanh toán KDTM thì trước hết phải giúp cho mỗi người dân hiểu rõ những tiện ích của phương tiện thanh toán này. Nếu người dân có hiểu biết đầy đủ hơn thì họ sẽ cảm thấy an toàn hơn, thuận tiện và thoải mái hơn khi sử dụng dịch vụ mà ngân hàng cung cấp, từ đó tất yếu nảy sinh nhu cầu sử dụng”

Còn theo Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Phạm Tiến Nam, việc tuyên truyền một cách cụ thể cho các hoạt động thanh toán KDTM hiện nay trong nền kinh tế (chứ không phải tung hô cho các hình thức thanh toán mới) sẽ khiến khách hàng hiểu hơn, nắm được ưu nhược điểm của từng hình thức, rồi từ đó tự quyết định chọn lựa hình thức phù hợp nhất với mình. Có như vậy, những thay đổi này mới thực sự xuất phát từ nhu cầu tự thân và mới khiến cho khách hàng xóa đi thói quen và tập quán thanh toán chi tiêu bằng tiền mặt.

img 

Bà Đỗ Hoài Linh, Chuyên gia ngân hàng (Viện NHTC, Đại học Kinh tế Quốc Dân)

Đồng quan điểm, bà Đỗ Hoài Linh, Chuyên gia ngân hàng (Viện NHTC, Đại học Kinh tế Quốc dân) đề xuất: “Theo tôi, để đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn, cần phải nghiên cứu đặc biệt ở vùng nông thôn. Với những người dân nông thôn thì họ là những người nông dân có thu nhập thấp, thói quen không dùng tiền mặt cao nên thay đổi thói quen là không dễ dàng. Thứ 2, giá trị của các khoản giao dịch, thanh toán thông thường là rất thấp nên cần phải nghiên cứu những công cụ nào phù hợp với những đặc điểm này”

 “Có những bài học có thể áp dụng được đối với khu vực đô thị nhưng không phù hợp với đặc điểm khách hàng ở vùng nông thôn nên chưa thu hút được người sử dụng ở nông thôn” bà Linh nhấn mạnh.