Dân Việt

Du lịch nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long: Mỏ vàng chưa khai thác

Huỳnh Xây 29/09/2018 06:00 GMT+7
Ngày 1.10, Tổng cục Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư, UBND tỉnh An Giang và Báo Nông Thôn Ngày Nay/Dân Việt tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2018” tại TP.Long Xuyên, An Giang.

Đến dự hội thảo sẽ có khoảng 180 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, đại diện UBND, Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch cùng các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp chất lượng cao, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập thảo luận, đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển cũng như đưa ra các đề xuất, giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong khai thác du lịch nông nghiệp ĐBSCL. Hội thảo tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, là nơi giới thiệu các mô hình du lịch nông nghiệp thành công có tính sáng tạo…

Nhiều tiềm năng

img

img

Khách du lịch tham quan rừng tràm Trà Sư (An Giang) mùa nước nổi 2018.  Ảnh: HUỲNH XÂY

Mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, nhất là lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nhưng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn chưa thể khai thác hết “mỏ vàng” nhiều tiềm năng này.

Ông Lâm Thanh Bình - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết: “Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có lượng khách du lịch quốc tế tăng trưởng mạnh và đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu của du khách nước ngoài. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để ĐBSCL thu hút khách đến trong tương lai”.

Đại diện Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist phân tích, du khách quốc tế, đặc biệt là khách từ thị trường Âu - Mỹ rất muốn khám phá vẻ đẹp dân dã của vùng miệt vườn sông nước bằng cách hòa nhập vào đời sống thực tế của người dân địa phương. Còn với du khách trong nước, sẽ tổ chức nhóm đi tham qua các địa điểm trong thời gian ngắn.

Đến với các điểm du lịch nông nghiệp ở các địa phương như Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long, TP.Cần Thơ… du khách có thể được vào vai người nông phu tự tay hái quả, làm vườn, được nghỉ chân ngay tại nhà dân và xung quanh là những vườn cây trái trĩu quả.

Ngoài ra, khách còn tham quan những làng nghề truyền thống, các lò bánh, lò cốm, hoặc đi thăm chợ nổi Long Xuyên, chợ nổi Cái Bè, chợ nổi Cái Răng, chợ nổi Phụng Hiệp…

img

img

  Mô hình du lịch nông nghiệp cá lóc bay của người dân Cồn Sơn (TP.Cần Thơ) thu hút nhiều du khách tham quan. Ảnh:  H.X

Ông Phan Đình Huê – đại diện Công ty dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL thông tin: Loại hình du lịch “kỳ nghỉ vùng quê – Farm holidays” ở Áo rất phát triển. Họ tổ chức rất bài bản nên du lịch nông nghiệp – nông thôn đem lại thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất thế giới.

“ĐBSCL có thể hoàn toàn học tập Áo để trở thành một trung tâm du lịch nông nghiệp – nông thôn của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, nhờ nhiều lợi thế. Cụ thể, là vùng sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn trái, rau màu) và thủy sản lớn nhất Việt Nam và bằng ½ diện tích nước Áo, khí hậu tốt quanh năm nên có thể làm du lịch cả 4 mùa. Nắng nhiều là điều kiện tốt để thu hút khách đến từ xứ lạnh vốn dĩ muốn “phơi” cho rám da” – ông Huê nhấn mạnh.

Ông Huê nhận định, ĐBSCL gần đô thị lớn là TP.HCM và các tỉnh miền Đông vốn là thị trường du lịch lớn nhất của Việt Nam. Giao thông đang được nâng cấp và xây mới, nên có đến hơn ½ diện tích ĐBSCL nằm trong bán kính 3 giờ xe ôtô tính từ TP.HCM (quảng thời gian di chuyển đẹp nhất đối với khách du lịch). Đây sẽ là xu hướng du lịch chủ đạo trong tương lai gần đối với vùng đất Chín Rồng.

Cần khai thác sự khác biệt

Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho biết, mức độ phát triển du lịch ở ĐBSCL hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và vị trí của vùng. Nguyên nhân là do xuất phát điểm thấp nên chưa khai thác triệt để lợi thế sông nước, nông nghiệp, nông thôn miệt vườn, đặc biệt còn xem nhẹ vai trò hợp tác, liên kết giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài vùng.

Theo ông Bình, để du lịch phát triển hiệu quả, các địa phương ĐBSCL cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết đầu tư, đổi mới sản phẩm du lịch. Ông Bình cũng giải thích thêm rằng, tuy sản phẩm du lịch của vùng này có nét tương đồng nhưng vẫn có sự khác biệt vậy nên các địa phương và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để đầu tư sản phẩm du lịch đặc trưng của mình và khai thác sự khác biệt của các sản phẩm. Đây cũng là cách để làm phong phú sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn của điểm đến.

Biết nhu cầu phát triển còn nhiều, thời gian qua, các địa điểm du lịch tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm, hợp tác liên kết tổ chức các sự kiện quảng bá thu hút, từng bước hình thành thương hiệu du lịch cho vùng. Còn cơ quan quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương cũng đang phấn đấu tạo ra môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện liên kết hợp tác đạt hiệu quả; đồng thời chủ động hỗ trợ thực hiện liên kết thuộc các lĩnh vực như: Đào tạo, quảng bá xúc tiến toàn vùng khi doanh nghiệp không có điều kiện.

Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch thì vai trò lãnh đạo địa phương là rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch, các địa phương phải tâm huyết, có trách nhiệm với cái riêng của du lịch địa phương mình quản lý, hết lòng với cái chung của vùng để cùng phối hợp thực hiện thành công đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL”. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực đưa du lịch khu vực ĐBSCL trở thành điểm đến hấp dẫn, nơi hội tụ văn minh sông nước Mê Kong, góp phần thực hiện thắng lợi quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ĐBSCL đến năm 2020 tầm nhìn 2030 (ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch lớn của cả nước).

“ĐBSCL hiện chỉ mới xây dựng được một số sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đơn giản, dễ bị sao chép. Để loại hình du lịch này trở thành một trong những loại hình du lịch chính, cần phải có chiến lược về phát triển sản phẩm. Khách du lịch lữ hành di tour nông nghiệp chủ yếu là nhóm nhỏ, theo gia đình, bạn bè. Khách này dành nhiều thời gian cho việc tham gia vào các hoạt động, hơn là nghe hướng dẫn viên thuyết minh. Vì vậy phải được tổ chức khác biệt…” - ông Huê lưu ý.