Bà sinh ngày 24-7-1897 tại thành phố Kansas. Cái tên của Amelia Earhart trở nên nổi tiếng vì những thành tựu nổi bật của bà trong vai trò một phi công nữ. Bất chấp những trở ngại về phân biệt giới tính trong ngành hàng không thời bấy giờ, bà đã lập được hàng loạt kỉ lục đáng nể trong sự nghiệp ngắn ngủi của mình.
Kỉ lục đầu tiên của bà là vào năm 1922 khi bà trở thành người phụ nữ đầu tiên bay trên độ cao 4.000m. Tiếp theo đó vào năm 1932, cái tên Earhart lại một lần nữa trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người thứ hai trên thế giới sau Charles Lindbergh bay một mình qua Đại Tây Dương.
Amelia Earthart
Sau khi quay trở lại Hoa Kì, bà được Quốc Hội trao tặng Huy chương chữ thập vì thành tích bay xuất sắc và bà là người phụ nữ đầu tiên được nhận vinh dự này. Dường như bà gắn liền với những kỉ lục đầu tiên được thiết lập bởi phụ nữ khi cuối năm đó bà tiếp tục trở thành người phụ nữ đầu tiên thực hiện chuyến bay thẳng xuyên nước Mĩ và bay một mình từ Hawaii đến Hoa Kì vào năm 1935.
Vào ngày mùng 1-6-1937, bà cất cánh từ Oakland, California để thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới cùng người hoa tiêu Fred Noonan. Họ đã cùng nhau bay đến Miami, sau đó xuống Nam Mĩ, băng qua Đại Tây Dương đến châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á. Vào ngày 29-6 cả hai đến Lae, New Guinea, sau đó họ tiếp tục bay đến đảo Howland dự kiến vào ngày mùng 2-7 để tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên đây lại là lần cuối cùng người ta nhìn thấy bà Amelia Earhart.
Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã huy động một cuộc tìm kiếm trên diện rộng nhưng cả hai không bao giờ được tìm thấy. Vào ngày 19-7-1937, Earhart và Noonan bị tuyên bố mất tích trên biển, đến tháng một năm 1939, Earhart được chính thức tuyên bố là đã chết.
Amelia Earthart và Fred Noonan 10 ngày trước khi mất tích
Một số người cho rằng chiếc máy bay của Eart hết xăng khi bà cố tìm đường đến đảo Howland và rơi xuống vùng lân cận của hòn đảo. Nhiều cuộc thám hiểm đã được thực hiện nhằm tìm kiếm tung tích chiếc máy bay nhưng đáng tiếc tất cả đều thất bại. Một giả thuyết khác đến từ tổ chức chuyên nghiên cứu và phục hồi máy bay TIGHAR lại cho rằng Earhart và Noonan đã đi lạc và thay vì hạ cánh trên đảo Howland, họ đã hạ cánh trên đảo Gardner cách đó khoảng 350 dặm về phía tây Nam ngày nay được gọi là đảo Nikumaroro, thuộc nước Cộng hòa Kiribati.
Tuy nhiên tại thời điểm đó đây là một hòn đảo không có người ở. Tổ chức TIGHAR tin rằng Earhart và có lẽ là cả Noonan có thể đã sống sót trong nhiều ngày hoặc thậm chí cả tuần trên đảo trước khi chết ở đó. Nhiều bằng chứng được phát hiện tại đảo ủng hộ cho giả thuyết này.
Họ tìm thấy một mảnh Plexiglas có thể rơi ra từ cửa sổ của chiếc máy bay Electra, các công cụ sinh tồn, lọ mĩ phẩm và một chiếc giày của phụ nữ có niên đại từ những năm 1930 cùng những mảnh xương được cho là một phần của ngón tay người. Tháng 6-2017, một đoàn thám hiểm khác dẫn đầu bởi tổ chức TIGHAR tiếp tục quay trở lại hòn đảo để tìm kiếm những mảnh xương còn lại được cho rằng thuộc về Earhart hoặc Noonan.
Ngoài ra cũng vẫn có những giả thuyết cho rằng Earhart và Noonan đã bị bắt và bị hành quyết bởi quân đội Nhật, hay cả hai là gián điệp của Tổng thống Roosevelt và sau đó cả hai đã thay đổi danh tính khi quay trở lại nước Mĩ.
Trong cuộc điều tra đặc biệt của trang History, cựu điều tra viên liên bang Les Kinney đã tìm kiếm trong Văn khố Quốc gia những hồ sơ có thể đã bị bỏ qua trong cuộc tìm kiếm hai phi công mất tích.
Trong số hàng ngàn tài liệu ông phát hiện ra một bức ảnh được đóng dấu của Văn phòng Tình báo Hải quân (ONI) trên đó viết “Quần đảo Marshall, Rặng san hô Jaluit, Đảo Jaluit, Cảng Jaluit. Bức ảnh chụp hình một con tàu với một chiếc máy bay trên xà lan phía sau và vài người đang đứng trên bến tàu gần đó. Ông tin rằng chiếc máy bay trên xà lan là Electra, và rằng hai người trên bến tàu là Earhart và Noonan. Một thành viên khác của cuộc điều tra Doug Carner, một nhà phân tích pháp y kỹ thuật số, đã kiểm tra bức ảnh và xác định bức ảnh không bị chỉnh sửa kĩ thuật số.
Thêm vào đó, Kent Gibson - một nhà phân tích pháp y chuyên về nhận diện khuôn mặt cũng nói rằng "rất có thể" người trong bức ảnh là Earhart và Noonan. Cả hai nhà phân tích đã xác định con tàu trong bức ảnh là tàu quân sự Nhật Bản Koshu Maru, đây có thể chính là con tàu đã đưa Earhart và Noonan đi sau khi cả hai bị rơi máy bay trên biển Thái Bình Dương.
Tuy nhiên hiện tại vẫn chưa có bằng chứng thật sự thuyết phục cho bất kì giả thuyết nào do đó sự biến mất của Amelia Earhart vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất lịch sử nước Mĩ.