Dân Việt

Luật Khí tượng thuỷ văn: Đột phá toàn diện cho công tác quản lý nhà nước về KTTV

P.V 01/10/2018 07:30 GMT+7
Luật Khí tượng thủy văn được Quốc hội thông qua ngày 23/11/2015 đã tạo ra khung khổ pháp lý, là bước thay đổi quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về KTTV; bảo đảm điều kiện cho các hoạt động KTTV phát triển, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia.

Bảo đảm tính thống nhất của các mạng lưới trạm KTTV; phát triển các trạm KTTV chuyên dùng

Luật đã quy định các nội dung về quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia, kế hoạch phát triển mạng lưới trạm của các Bộ, ngành, địa phương, hành lang kỹ thuật trạm và quy định về yêu cầu quan trắc phải tuân thủ tính chính xác, liên tục, thống nhất, đồng bộ theo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình chuyên môn,...

img

Công tác dự báo KTTV luôn được Nhà nước chú trọng. Ảnh: IT

Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục đích cụ thể, nội dung quan trắc của các loại trạm KTTV có thể khác nhau. Vì vậy, xuất phát từ tính chất trạm KTTV chuyên dùng được thành lập nhằm đáp ứng yêu cầu thông tin KTTV theo mục đích riêng của từng Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân, nên việc giao cho các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân quy định nội dung quan trắc; Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ quy định nội dung quan trắc KTTV đối với các trạm thuộc mạng lưới trạm KTTV quốc gia.  

Mạng lưới trạm KTTV quốc gia do Nhà nước đầu tư nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), phòng, chống thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; bên cạnh đó, không thể thiếu mạng lưới trạm KTTV chuyên dùng phục vụ mục đích cụ thể của các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển KT-XH.

Thực tế trên thế giới, cũng như ở nước ta đã và đang tồn tại các trạm KTTV chuyên dùng. Hơn nữa, cùng với sự phát triển KT-XH của đất nước, việc hình thành và phát triển các trạm KTTV chuyên dùng là một yêu cầu tất yếu khách quan, cần được khuyến khích. 

Thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV.

Luật đã thể hiện vai trò chủ đạo của Nhà nước trong hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV nhằm phục vụ cộng đồng, phát triển KT-XH, phòng, chống thiên tai, quốc phòng, an ninh quốc gia… thông qua quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan thuộc hệ thống quốc gia dự báo, cảnh báo KTTV, việc sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo KTTV trong hoạt động phòng, chống thiên tai.

img

Trạm khí tượng Hải văn Phú Quốc, Kiên Giang. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Cùng với sự phát triển KT-XH, nhu cầu về thông tin KTTV ngày càng nhiều và đa dạng, đồng thời, phù hợp với xu thế chung của thế giới, việc cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV là cần thiết.

Tuy nhiên, do hoạt động dự báo, cảnh báo KTTV có tác động lớn đến đời sống KT-XH của đất nước, ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe, an toàn của người dân, Luật đã quy định dự báo, cảnh báo KTTV của tổ chức, cá nhân là hoạt động có điều kiện và phải được cấp phép.