Dân Việt

Trận động đất, sóng thần tương đương 23.000 bom nguyên tử tàn phá Indonesia

Đăng Nguyễn - Tổng hợp 01/10/2018 18:55 GMT+7
Người Indonesia từng phải hứng chịu thảm họa sóng thần, động đất lớn hơn nhiều lần so với những gì xảy ra trên đảo Sulawesi, khiến 170.000 người thiệt mạng vào năm 2004.

img

Nhóm người cuống cuồng bỏ chạy khi sóng thần ập vào bờ biển Thái Lan năm 2004.

Ngày 26.12.2004, một trận động đất mạnh kỷ lục 9,3 độ Richter xuất hiện ngầm ở Ấn Độ Dương. Động đất tạo ra trận sóng thần cao 30 mét đánh vào bờ biển của hơn 10 quốc gia.

Thương vong ở Indonesia là 170.000 người và 50.000 người ở các quốc gia khác, tạo thành một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử nhân loại. Thảm họa kép còn khiến 1,8 triệu người không có chốn nương thân.

Cơn địa chấn khủng khiếp bắt nguồn ở ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia. Nơi xa nhất có ghi nhận có người chết do sóng thần là ở Cảng Elizabeth, Nam Phi, vốn cách xa tâm chấn 8.000km.

img

Nhiều người không có ý thức tìm nơi ẩn nấp khi sóng thần ập đến.

Thảm họa động đất và sóng thần được cục địa chất Mỹ đánh giá tạo ra sức công phá tương đương 23.000 quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến 2.

Trong khi đó, Tad Murty, Phó chủ tịch Hiệp hội Sóng thần nhận định, tổng năng lượng của những đợt sóng thần là xấp xỉ 5 megaton thuốc nổ TNT, tương đương hai lần toàn bộ năng lượng chất nổ được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại nhiều nơi, các đợt sóng thần đã tiến sâu vào đất liền đến 2 km.

Sóng thần ảnh hưởng đến khu vực rộng lớn chưa từng có, trải dài từ châu Á đến châu Phi. Những nơi ở Indonesia hứng chịu đợt sóng cao 30 mét chỉ sau 15 phút. Sóng thần mất tới 2 giờ để đến được Ấn Độ, Sri Lanka hay Thái Lan. Tại khu vực Đông Phi, người ta ghi nhận sóng thần cao 1,5 mét sau 7 giờ từ thời điểm động đất xảy ra.

img

Quang cảnh tan hoang sau đợt sóng thần năm 2004 ở Aceh, Indonesia.

Thủ phủ Banda Aceh, tỉnh Aceh của Indonesia hứng chịu thiệt hại nặng nhất, vì nằm ngay mũi phía bắc của đảo Sumatra, đối mặt với những ngọn sóng lớn đầu tiên.

Ở Aceh, Thánh đường Hồi giáo là công trình duy nhất còn đứng vững. Hầu hết nạn nhân khi ấy đều hoàn toàn bất ngờ trước thảm họa, bởi không hề có hệ thống cảnh báo sóng thần ở Ấn Độ Dương. Cảnh báo động đất và sóng thần đôi khi xuất hiện ở Indonesia, nhưng tập trung ở khu vực bờ biển Thái Bình Dương.

img

Trận sóng thần năm 2004 được coi là thảm họa gây tổn thất lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Một người dân ở Banda Aceh kể lại, khi sóng dữ ập xuống đầu, họ còn không biết chuyện gì đang xảy ra để tìm nơi trú ẩn.

Sau khi xảy ra thảm họa, người ta mới bắt đầu lắp đặt hệ thống cảnh báo sóng thần ở Ấn Độ Dương. Hệ thống cảnh báo này đi vào hoạt động từ cuối năm 2005.

Theo các tổ chức cứu trợ, một phần ba số người chết là trẻ em vì trẻ em là những nạn nhân không có khả năng tự vệ. Ở một vài khu vực, số phụ nữ thiệt mạng tăng vọt vì họ khi đó có mặt trên bãi biển, chờ chồng mình đi đánh cá trở về.

img

Nhà thờ Hồi giáo duy nhất còn đứng vững sau sóng thần ở Aceh, Indonesia.

Theo Wall Street Journal, thảm họa động đất, sóng thần năm 2004 khó tránh khỏi nhưng con người cũng góp phần tạo ra những cơn sóng mạnh chưa từng có. Đó là việc phá hủy các rặng san hô bảo vệ bờ biển. Ở Thái Lan, nơi các rặng san hô chưa bị tàn phá, con số người tử vong thấp hơn nhiều lần so với Indonesia.

Động đất, sóng thần ở Indonesia: Số người thiệt mạng lên đến 1200

Thành viên đội cứu hộ nghe thấy tiếng kêu khóc của trẻ em dưới đống đổ nát, nhưng họ chưa thể tiếp cận.