Vấn đề bạn hỏi, ông Vương Ngọc Tuấn - Văn phòng tư vấn khiếu nại Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam trả lời như sau: Theo quy định, khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết thì người tiêu dùng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại; có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật.
Trường hợp hàng kém chất lượng mà biết rõ nguồn gốc xuất xứ, nhà cung cấp, người mua có quyền yêu cầu doanh nghiệp đó bồi thường thiệt hại- đổi lại hàng hóa kém chất lượng, bồi thường thiệt hại do sử dụng hàng hóa kém chất lượng gây ra... Khi mua phải hàng nhái, hàng giả, ngoài các quyền nêu trên, người tiêu dùng cần thông báo với các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý liên quan đến việc sản xuất và kinh doanh hàng nhái, hàng giả.
Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng, lợi ích công cộng thì người tiêu dùng, tổ chức xã hội có quyền yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cấp huyện nơi thực hiện giao dịch giải quyết.
Lê Chiên (ghi)