Đây là những nội dung chính được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển cây mía bền vững ở các tỉnh miền núi phía”, do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) và Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp tổ chức cuối tuần qua.
Năng suất mía thấp
Ông Lê Văn Khánh, thôn Chầm Bùng, xã Đức Ninh giới thiệu vườn mía giống DOC22 áp dụng các biện pháp thâm canh tăng năng suất. Ảnh: Thiên Ngân
Theo báo cáo của TTKNQG, toàn vùng phía Bắc có hơn 70.000ha mía, chiếm xấp xỉ 1/3 diện tích mía của cả nước, tuy nhiên năng suất bình quân vùng này chỉ đạt 59,1 tấn/ha – thấp nhất cả nước. Nguyên nhân là quy hoạch vùng trồng mía nguyên liệu gặp nhiều khó khăn, quy mô sản xuất hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, lạc hậu; việc áp dụng cơ giới hoá còn ít; các giống mía cũ chiếm diện tích khá lớn…
Bà Vũ Thị Thuỷ - Phó Trưởng phòng Trồng trọt (TTKNQG) cho biết: Thời gian gần đây, giá thu mua mía ngày càng giảm khiến nông dân nhiều nơi không còn mặn mà với loại cây trồng này. Diện tích mía trong năm vừa qua giảm rất nhiều, cả nước khoảng hơn 20.000ha.
Cán bộ khuyến nông và người dân thăm ruộng mía sử dụng giống DOC22 tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Ảnh: Thiên Ngân
"Chính quyền địa phương cần đứng ra làm cầu nối giúp nông dân liên kết với các nhà máy xây dựng cánh đồng mía lớn, thực hiện đồng bộ các biện pháp để tăng năng suất mía và năng suất đường...”. Ông Trần Văn Khởi |
Tại tỉnh Tuyên Quang – nơi có diện tích trồng mía lớn nhất miền núi phía Bắc, niên vụ vừa qua bà con cũng phá bỏ tới 1.600ha mía. Tuy nhiên nếu được chăm sóc tốt, người trồng mía vẫn có lãi cao hơn so với trồng lúa, ngô…, do đó Tuyên Quang cũng như nhiều địa phương vẫn coi mía là cây trồng tiềm năng, quan tâm phát triển bằng nhiều chủ trương, chính sách.
Đến vùng mía xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, phóng viên Báo NTNN ghi nhận việc một số nông dân chán cây mía chuyển sang trồng chè, cây ăn quả, nhưng nhiều người cũng mạnh dạn dồn đổi ruộng đất, tiếp tục mở rộng diện tích trồng mía vì có lãi.
Ông Lê Văn Khánh - nông dân thôn Chầm Bùng cho biết: “Trước đây gia đình tôi chỉ trồng 6.000m2 mía, thu nhập bình quân hàng năm khoảng 70 triệu đồng, lãi hơn 40 triệu đồng, nên gia đình tôi đã dồn đổi ruộng với các hộ xung quanh để mở rộng lên 2ha. Mía của gia đình tôi được thâm canh tốt, ít sâu bệnh nên năng suất bình quân hơn 120 tấn/ha. Tôi chỉ mong công ty thu mua mía giá ổn định, có giống mía ít sâu bệnh, ít ngã đổ nhằm giảm giá thành”.
Liên kết - giải pháp “ăn chắc”
Ông Trần Văn Khởi - Quyền Giám đốc TTKNQG (giữa) trao đổi về kỹ thuật thâm canh cây mía cùng nông dân xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Thiên Ngân
Ông Nguyễn Công Hàm – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Tuyên Quang cho biết, giá trị sản xuất của cây mía mang lại hàng năm khoảng 500 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của người trồng mía khoảng 35,2 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với ngô, lúa, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với cam, bưởi (từ 70 – 120 triệu đồng/ha/năm). Để ngành mía đường vượt qua khó khăn, cách tốt nhất là tập trung tăng thâm canh, chú trọng khâu tưới để tăng năng suất và chất lượng mía, giảm giá thành…
“Tại Tuyên Quang, mía hiện là cây trồng duy nhất được doanh nghiệp cam kết thu mua, liên kết chặt chẽ ngay từ ban đầu nên người dân khá yên tâm với cây mía. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía, trong đó có Nghị quyết 02/2017 về khuyến khích tưới tiết kiệm, hỗ trợ lãi suất cho vay 100% đối với trồng mới cây mía trong 2 năm đầu, 50% lãi suất từ năm thứ 3 đến thứ 5…” - ông Hàm nói.
Điều đặc biệt thuận lợi ở chỗ, trong khi giá thu mua mía nguyên liệu ở nhiều vùng sản xuất phía Nam, Tây Nguyên chỉ còn 600-700 đồng/kg thì Công ty CP Mía đường Sơn Dương (Tuyên Quang) đã cam kết với nông dân giá thu mua từ năm 2015 - 2020 không đổi, ở mức 900 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty còn hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất, hỗ trợ thâm canh, tưới, trồng mới, trồng lại; làm đất bằng máy, cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; đầu tư đường giao thông nội đồng, đường vận chuyển…
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty CP Mía đường Sơn Dương cho biết, chỉ tính riêng niên vụ 2017 – 2018, công ty đã đầu tư cho toàn vùng nguyên liệu của 2 nhà máy hơn 86 tỷ đồng. “Trong khi nhiều nhà máy đường đang gặp khó khăn về tiêu thụ, tồn đọng thì công ty đã bán được gần hết đường và đang tích cực chuẩn bị cho vụ mía mới” – ông Khánh nói.
Về sự phát triển của cây mía ở khu vực miền núi phía Bắc, ông Trần Văn Khởi – quyền Giám đốc TTKNQG nhận định, cây mía đang bị cạnh tranh gay gắt với các cây trồng khác do giá trị thu nhập chưa được như mong muốn, nhưng thực tế cho thấy nếu áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là có sự liên kết chặt chẽ với nhà máy, cây mía vẫn đem lại cơ hội xoá nghèo, vươn lên khấm khá cho hộ nông dân.