Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ĐBSCL là vùng nông nghiệp lớn và là 1 trong 7 vùng du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Nơi đây còn là “vựa lúa”, “vựa tôm” lớn, có cảnh quan sông nước hiền hoà, người dân thân thiện và mến khách. Riêng An Giang là vùng đất đầu nguồn vùng ĐBSCL, có các yếu tố tự nhiên, đa dạng, phù sa màu mỡ. Thêm vào đó, địa phương được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam, thắng cảnh, nhiều lịch sử văn hoá, lễ hội, là những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch nông nghiệp.
Đại diện Tổng cục Du lịch, Văn phòng Điều phối nông thôn mới T.Ư và UBND tỉnh An Giang trao đổi với các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: H.X
Theo ông Bình, trong những năm qua, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, các ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương phát triển, trong đó có ưu tiên phát triển du lịch nông nghiệp. “Vì vậy, du lịch ở An Giang đã dần có sự phát triển rõ rệt, nhận thức của các doanh nghiệp được nâng lên, thu hút được ngày càng nhiều sự tham gia của cộng đồng, xã hội. Ngoài việc phát huy thế mạnh vốn có, tỉnh cũng đang cố gắng tạo sự khác biệt cho các sản phẩm đặc thù như nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch” - ông Bình nói.
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Ngô Hoài Chung - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp của ĐBSCL lớn hơn bất cứ vùng nào trên cả nước. “Đây là vùng có liên quan đến sản phẩm nông nghiệp rõ rất bởi những vùng lúa, vùng cây ăn trái, rừng ngập mặn mang đậm văn hoá phương Nam. ĐBSCL đủ điều kiện để trở thành trung tâm du lịch nông nghiệp của đất nước” – ông Chung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Chung, tuy du lịch nông nghiệp thời gian qua có phát triển nhưng thực tế hiệu quả và giá trị kinh tế mạng lại chưa cao, tức “mỏ vàng” chưa được khai thác hết. Vì vậy, chúng ta phải giúp bà con nông dân một nắng hai sương tạo ra những sản phẩm khác biệt, để từ đó nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một sản phẩm, dần giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - đại diện điểm du lịch sinh thái Vàm Nao (An Giang) cho rằng: “Qua thực tế làm du lịch từ nhiều năm nay, tôi cho rằng du lịch nông nghiệp nhất định phải gắn với làng xã và sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương. Từ du lịch nông nghiệp, nông dân có cơ hội quảng bá sản phẩm nông nghiệp của mình, tăng thêm thu nhập trên cùng một sản phẩm”.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, hiện nay trong hoạt động du lịch nông nghiệp, nông dân đang gặp một số khó khăn về chính sách thuế cần có chính sách hỗ trợ, để người dân có thể tăng sức cạnh tranh, thuận lợi hơn trong việc phát triển du lịch.
Để phát triển du lịch nông nghiệp ở vùng ĐBSCL tốt hơn, lãnh đạo Tổng cục Du lịch khẳng định, phải đảm bảo được 3 yếu tố: Bảo tồn giá trị văn hoá, bảo đảm chất lượng dịch vụ, xây dựng thương hiệu. Ba trụ cột này phát triển đồng bộ, song song góp phần tạo ra hệ hệ thái du lịch nông nghiệp, hướng tới giá trị bền vững.
“Trong đó, chúng ta phải lấy sản phẩm nông nghiệp làm hạt nhân, đồng thời xây dựng các sản phẩm phụ xoay quanh sản phẩm du lịch nông nghiệp trên như cơ sở lưu trú đạt chuẩn, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chương trình đờn ca tài tử, vận chuyển… Tất cả tạo nên sự tăng cường liên kết, tìm ra thị trường lớn, nâng cao giá trị cho nền nông nghiệp” – ông Chung nói.
Ông Chung cũng thừa nhận: “Nguồn lực phục vụ cho du lịch nông nghiệp hiện nay đang yếu, thiếu và không chuyên nghiệp, vì vậy cần phải được đào tạo, tập huấn để được chuyên nghiệp hơn, thân thiện và mến khách hơn nữa, từng bước tạo ra các sản phẩm mới, giúp dân phát triển sinh kế”.
Đối với các bộ, ngành và lãnh đạo các địa phương, ông Chung đề nghị phải có trách nhiệm tìm hiểu thị trường, đánh giá nhu cầu khách du lịch, giúp dân bán sản phẩm... Đồng thời, tham mưu những chính sách hỗ trợ, làm cầu nối giúp nông dân liên kết với các công ty hỗ trợ dân về nhiều mặt để làm du lịch chuyên nghiệp hơn.