Dân Việt

Lạng Sơn: Thu 1.000 tỷ từ những vạt na xanh mướt

Chang Liễu 07/10/2018 06:30 GMT+7
Na Chi Lăng đã trở thành hàng hoá đặc trưng riêng có của tỉnh Lạng Sơn với diện tích trên 2.900 ha, sản lượng năm 2018 đạt 30.000 tấn. Năm nay na được mùa, được giá, nhờ đó nông dân nơi đây đã bỏ túi khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nhiều năm nay, na đã trở thành cây trồng chủ lực của tỉnh Lạng Sơn, mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2017 giá trị thu được đạt 800 tỉ đồng, năm 2018 giá trị kinh tế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với năm 2017.

Người trồng na Lạng Sơn đã biết áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất na như đốn cành, thụ phấn, phòng trừ sâu bệnh làm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã của quả na, từ đó tiêu thụ thuận lợi.

img

Cây na đã giúp cuộc sống người dân dưới chân núi đá Cai Kinh có cuộc sống đầy đủ và khấm khá hơn.

Anh Nguyễn Văn Thật, thôn Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng cho biết: “Người dân ở đây sống bằng quả na là chính. Cây na đã được trồng ở đây từ lâu nhưng trước đây người dân trồng và chăm sóc chưa có kỹ thuật, na ra hoa thụ phấn tự nhiên nên quả chín rộ trong một khoảng thời gian ngắn nên không được giá. Hiện tại người dân được tham gia nhiều lớp tập huấn, sản xuất na theo tiêu chuẩn nên quả na to đều, sáng đẹp và chất lượng thơm ngon hơn. Nhờ cây na mà nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên ở dưới chân núi Cai Kinh này”.

img

Người dân đã sáng tạo ra ròng rọc để vận chuyển na và phân bón lên vườn nơi sườn núi.

Những năm gần đây, Tỉnh Lạng Sơn rất chú trọng đến phát triển sản xuất na như: Phát động phong trào sản xuất Na an toàn, nhiều mô hình sản xuất Na an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã được chứng nhận trong đó 93,6ha được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP; 1.067ha được chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại tại các thành phố lớn trong cả nước; Tổ chức Hội Na Chi Lăng...

Nhờ vậy, thương hiệu Na Chi Lăng đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, giá trị kinh tế của quả na Chi Lăng tăng lên đáng kể. Năm 2018, trung bình giá bán na khoảng 30.000- 40.000 đồng/kg, thu nhập của các hộ trồng na từ vài trăm triệu cho đến hàng tỷ đồng/hộ/năm.

img

Sản phẩm na Lạng Sơn luôn được khách hàng ưa chuộng bởi vị ngon, ngọt được "chắt lọc" từ những tinh túy của núi rừng.

Mỗi người dân đã tự ý thức rằng, phát triển sản xuất Na an toàn góp phần giữ vững thương hiệu na Chi Lăng. Giúp cho sản phẩm na Chi Lăng có giá bán ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm Na quả gặp nhiều thuận lợi hơn, được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tin tưởng về chất lượng sản phẩm cũng như mẫu mã, bao gói.

img

Năm nay na vừa được mùa, vừa được giá nên người dân nơi đây vô cùng phấn khởi.

Thị trường tiêu thụ đã mở rộng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trên 9.000 tấn. Đã có một số siêu thị lớn đưa sản phẩm na Chi Lăng vào bày bán tại hệ thống chuỗi siêu thị như Saigon Coop mart, Fivimart, chuỗi siêu thi Vinmart, Công ty CP An Hòa (chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch), hệ thống siêu thị BigC Thăng Long...

Việc áp dụng các quy trình kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, bảo quản tốt nên chất lượng quả na Chi Lăng theo đánh giá của các hệ thống siêu thị và người tiêu dùng rất thơm ngon, bổ dưỡng, cũng như hình thức, mẫu mã quả na Chi Lăng rất được ưa chuộng ...

img

Sản phẩm Na Chi Lăng được xuất khẩu sang Trung Quốc và thương lái khắp các tỉnh thu mua.

Sản phẩm na Chi Lăng đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận được bảo hộ, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Na Chi Lăng"; được tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Đặc sản "Na Chi Lăng" của tỉnh Lạng Sơn được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam. Năm 2017, sản phẩm na Lạng Sơn đã được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết: Cây na không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn được coi là cây làm giàu của người nông dân Lạng Sơn nói chung, nông dân 2 huyện Chi Lăng, Hữu Lũng nói riêng. Cây na đã và đang mang lại giá trị kinh tế rất lớn, năm 2018 đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 200 tỷ so với năm 2017, đồng thời góp phần rất lớn vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh nhà.