Khó khăn chồng chất
Ông Đặng Văn Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức cho biết, từ năm 2016 đến nay, huyện huy động được hơn 1.260 tỷ đồng xây dựng NTM, nhưng đây phần lớn là nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn ngoài ngân sách chỉ gần 6 tỷ đồng.
Nghề dệt may mang lại thu nhập cao cho người dân xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Quận Long Biên hỗ trợ 25 tỷ xây Trường THCS Mỹ Thành; Quận Nam Từ Liêm hỗ trợ 20 tỷ xây Trường THCS Xuy Xá; Quận Ba Đình hỗ trợ 15 tỷ xây Trường Tiểu học Hợp Tiến B; Quận Hoàng Mai hỗ trợ 10 tỷ đồng cải tạo Trường THCS Phù Lưu Tế. |
Từ nguồn vốn này, nhiều dự án đầu tư xây dựng đã được thực hiện, điển hình như cải tạo, làm mới gần 87km đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ xóm; gần 33km đường trục chính nội đồng; xây mới, cải tạo 13 trường học, 20 nhà văn hóa…
Huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa và cấp lại sổ đỏ đất nông nghiệp, hỗ trợ người dân chuyển đổi gần 1.650ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân được cải thiện rõ rệt, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi tích cực.
Mặc dù vậy, huyện Mỹ Ðức vẫn là một trong những địa phương gặp khó khăn nhất trong xây dựng NTM của Hà Nội do thiếu nguồn lực. Minh chứng là ngay từ tháng 12.2017, huyện Mỹ Đức đã khởi động, rà soát cụ thể các tiêu chí và xây dựng kế hoạch xây dựng NTM trình Hội đồng nhân dân phê duyệt. Ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho 2 xã An Mỹ và Xuy Xá về đích năm 2018.
Tuy nhiên, do điều kiện nguồn thu ngân sách của huyện còn hạn chế dẫn đến khó bố trí đủ nguồn vốn cho xây dựng NTM. Trong khi đó, để đầu tư 1 trường học cần khoảng 20 tỷ đồng, 1 nhà văn hóa quy mô xã cũng cần khoảng 10 tỷ đồng...
Ông Triều cho hay, năm nay, dự kiến huyện cần gần 530 tỷ đồng để ưu tiên đầu tư vào cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp, đường giao thông để phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM, nhưng nếu địa phương không được thành phố hỗ trợ thì rất khó có thể lo được kinh phí lớn như thế. "Mỹ Đức kiến nghị thành phố có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho các huyện khó khăn..." - ông Triều chia sẻ.
Nhiều xã vướng tiêu chí thu nhập
Đường giao thông liên thôn, xã tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) được đầu tư khang trang hiện đại. Ảnh: Hải Đăng
Theo ghi nhận của NTNN, không chỉ 2 xã đăng ký đạt chuẩn NTM trong năm 2018 mà hầu hết các xã chưa đạt chuẩn NTM của huyện Mỹ Đức đều đang gặp khó về tiêu chí cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa. Đặc biệt, nhiều xã cũng đang “vướng” tiêu chí thu nhập.
Mức thu nhập của 5 xã dự kiến đăng ký đạt chuẩn năm 2019 mới đạt khoảng 35 - 36 triệu đồng/người/năm, trong khi yêu cầu đặt ra phải đạt 45 triệu đồng/người/năm. Thực tế huyện Mỹ Đức vẫn đặt sản xuất nông nghiệp là hàng đầu, là nguồn thu chính, công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển nên việc nâng cao thu nhập cho người dân một cách “bứt phá” rất khó khăn. Là một trong hai xã của huyện Mỹ Đức được chọn về đích NTM năm 2018, hiện xã An Mỹ đang vấp phải nhiều thách thức trong việc hoàn thiện các tiêu chí.
Ông Nguyễn Ngọc Đan - Bí thư Đảng ủy xã An Mỹ cho biết, khó khăn với xã hiện nay là cả ba cấp trường đều chưa đạt chuẩn, nhiều hạng mục hạ tầng đã xuống cấp… Trường THCS và tiểu học đang được đầu tư xây dựng nhưng trường THCS mới chỉ hoàn thành 60%, trường tiểu học được khoảng 20%, trường mầm non chưa triển khai xây dựng. Từ năm 2016 đến nay, Mỹ Đức tiếp nhận 70 tỷ đồng của 4 quận hỗ trợ xây dựng hạ tầng. Quận Long Biên hỗ trợ xây dựng Trường THCS xã Mỹ Thành 25 tỷ đồng; quận Nam Từ Liêm hỗ trợ xây dựng Trường THCS xã Xuy Xá 20 tỷ đồng; quận Ba Đình hỗ trợ xây dựng Trường Tiểu học Hợp Tiến B, xã Hợp Tiến 15 tỷ đồng và quận Hoàng Mai hỗ trợ cải tạo công trình Trường THCS xã Phù Lưu Tế 10 tỷ đồng.