Dân Việt

Sữa học đường triển khai tại các nước như thế nào?

Thụy Du 03/10/2018 19:15 GMT+7
Dư luận thời gian qua nghi ngại về chương trình sữa học đường là chính đáng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra rằng trên thế giới đã có những nước nào triển khai sữa học đường và triển khai như thế nào, kết quả ra sao?

TP.Hà Nội vừa mới công bố chương trình Sữa học đường với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học. 

Theo đó, mỗi trẻ sẽ uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần một hộp 180ml. Việc này được duy trì suốt 9 tháng đến trường trong mỗi năm học của các em. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ là ngân sách 30%, doanh nghiệp hỗ trợ 20% và phụ huynh góp 50%. Riêng với học sinh thuộc các gia đình chính sách như hộ nghèo, có công với cách mạnh… sẽ được hỗ trợ 100%. Như vậy, mỗi em được uống sữa với giá chỉ hơn 3.000 đồng/hộp và sẽ không thay đổi trong 5 năm.

Sữa học đường đã trở thành thứ “không thể thiếu” trong khẩu phần ăn của trẻ ở các nước phát triển và chương trình này đã được triển khai từ thế kỷ trước với mục tiêu nâng cao thể chất và tầm vóc cho thế hệ tương lai.

Ở Mỹ, vào đầu năm 1940, tức khoảng gần một thế kỷ trước, nhờ sự hỗ trợ của Chicago, chương trình sữa học đường đã ra đời. Dự án được thực hiện ban đầu ở 15 trường tiểu học với hơn 13.000 học sinh tham gia. Các trường này đều nằm ở khu vực có nhiều hộ thu nhập thấp.

img

Trẻ em ở Hamilton uống sữa học đường.

Đến 10.1940, chương trình tương tự được thực hiện tại New York với sự tham gia của 123 trường. Theo kế hoạch ban đầu, chương trình sẽ thực hiện trong 1 năm. Song, sự thành công của chương trình tại Chicago, sau đó là New York đã khiến cho dự án mở rộng sang Omaha, Nebraska; Ogden, Utah; Birmingham, Alabama; St. Louis, Missouri; Boston và khu vực Lowell-Lawrence, Massachusetts.

Những năm sau đó, chương trình tiếp tục mở rộng trên toàn quốc. Năm 1946, uống sữa học đường được thực hiện một phần qua Chương trình ăn trưa trường học quốc gia. Trong đó, giá sữa tùy thuộc vào các thành phố, khu vực. Ví như ở Chicago 0,893 cent; ở New York, 1,37 cent; ở Omaha, 0,995 cent; St. Louis, 0,837 cent.

Sữa học đường ở Nhật Bản cũng được triển khai sau Mỹ một thập kỷ, bắt đầu từ năm 1954 khi tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em của nước này ở mức báo động. Theo đó, mỗi bữa ăn của trẻ em đều phải có 200ml sữa. Bữa ăn hoàn chỉnh bao gồm món chính, món phụ, hộp sữa và tráng miệng. 

Tương tự, tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã giới thiệu Chương trình Sữa quốc gia vào năm 2000. Sau một thập kỷ triển khai, đã triển khai tới hàng triệu học sinh. 

Tiếp sau đó, Chương trình Cải thiện dinh dưỡng cho học sinh giáo dục bắt buộc nông thôn (NIPRCES), ra mắt vào năm 2012, Sữa trường học đã tăng gấp đôi mức độ bao phủ của nó trong những năm tiếp theo. Hiện nay, gần 20 triệu học sinh, sinh viên Trung Quốc nhận sữa trong trường hàng ngày.

Với thể trạng người Việt Nam, TS.BS Trương Hồng Sơn -  Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng cho biết, trong vòng 100 năm qua, chiều cao đàn ông Việt Nam chỉ tăng 9,1 cm (đạt trung bình 164,4 cm) và phụ nữ tăng 8,8 cm (đạt 153,6 cm).

Đặc biệt, từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam chỉ tăng thêm được 3 cm, thấp hơn chiều cao trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực châu Á. 

Nguyên nhân mà Bộ Y tế chỉ ra là dinh dưỡng và rèn luyện thể lực.

Theo đó, chỉ có cách can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt là về dinh dưỡng trong những năm đầu đời của trẻ, dinh dưỡng và vận động thể lực cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì may chăng mới thay đổi rõ được.

Trong khi ấy, thói quen tiêu dùng sữa hay các các sản phẩm từ sữa còn chưa phổ biến. Trong số 30% dân số sử dụng sữa thì trẻ em - thế hệ tương lai của đất nước, nguồn lực chính của xã hội cũng chỉ chiếm 1/3. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thể nhẹ cân, thiếu máu,… vẫn còn cao.

Nhìn sang các nước, kết quả của chương trình sữa học đường khá lạc quan. Tại Nhật, nhờ chương trình sữa học đường, có hơn 7 triệu trẻ em trong 99,2% trường tiểu học và 2,9 triệu học sinh trong 85,8% trường trung học, cơ sở có bữa trưa hoàn chỉnh. Sau gần 40 năm, người Nhật đã tăng chiều cao thêm 10 cm, tuổi thọ ở mức cao nhất thế giới.

Như vậy, lợi ích của sữa học đường đã rõ. Câu chuyện còn lại để xóa tan nghi ngại của các bậc phụ huynh là cần đấu thầu công khai, minh bạch giá sữa và phải đảm bảo được sữa học đường phải là sữa tươi có chất lượng tốt nhất.

Đây sẽ là trách nhiệm của cơ quan quản lý và doanh nghiệp đấu thầu, cung cấp sữa.