Lo ngại buôn lậu
Trong khi dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến phức tạp thì tình hình buôn lậu lợn và các sản phẩm từ lợn qua biên giới vẫn tái diễn. Theo lực lượng chức năng của 2 tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, đỉnh điểm của tình trạng buôn bán lợn sống qua biên giới xảy ra vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 khi giá lợn hơi chênh lệch giữa 2 nước lên tới 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Gần đây, giá lợn hơi trong nước dần hạ nhiệt, còn giá lợn tại Trung Quốc tăng cao nên mặt bằng giá lợn giữa 2 nước không chênh quá lớn, từ đó hạn chế việc buôn lậu lợn qua biên giới.
Đoàn công tác kiểm tra tình hình phòng chống dịch tả lợn châu Phi ở Lạng Sơn. Ảnh: Q.N
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lý Vinh Quang, từ đầu tháng 9 đến nay, thực hiện công điện khẩn của Chính phủ, Bộ NNPTNT, tỉnh đã có công văn, kế hoạch chỉ đạo gửi các đơn vị, quán triệt tinh thần phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi ở mức cao nhất, nghiêm túc nhất. Vì vậy, Lạng Sơn chưa phát hiện thêm vụ vận chuyển lợn sống nào.
Tỉnh Quảng Ninh, ngoài ban hành công văn chỉ đạo, đã thành lập 3 đoàn liên ngành triển khai ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Móng Cái, Bình Liêu, Hải Hà. Hai tỉnh này còn tổ chức tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng các vùng chăn nuôi, nơi giết mổ, buôn bán thịt lợn.
Mặc dù vậy, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh từ thịt, nội tạng, hàng tạm nhập tái xuất qua biên giới vẫn khá phức tạp, khó kiểm soát. Số liệu của tỉnh Lạng Sơn cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã bắt giữ và xử lý 11.870kg nầm lợn, 600kg thịt lợn đông lạnh, 6.975kg lợn hơi (56 con), 128kg mỡ lợn, xử phạt hàng trăm triệu đồng.
Còn theo UBND tỉnh Quảng Ninh, từ đầu tháng 8.2018 đến nay đã bắt giữ, xử lý 5 vụ vận chuyển gần 2.000kg lợn thịt, 440kg nội tạng lợn nhập lậu không rõ nguồn gốc.
Giám sát chặt ở cửa khẩu
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn đánh giá cao công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của Quảng Ninh. Đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam.
Chỉ đạo lực lượng biên phòng, hải quan, quản lý thị trường, công an, kiểm dịch động vật tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý nghiêm tình trạng vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu qua biên giới; tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Ngoài ra, cần tuyên truyền để người dân không tham gia buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là cư dân biên giới. Khi bắt giữ được lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển trái phép phải kiên quyết tiêu hủy và lấy mẫu giám sát dịch bệnh trước khi tiêu hủy.
Tăng cường giám sát đàn lợn tại địa phương, nếu phát hiện lợn bệnh hoặc nghi mắc bệnh phải xác minh và xử lý kịp thời. Dự trù đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch. Khi có dịch xảy ra, thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch.