Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam Trần Ngọc Toàn nhấn mạnh: Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử được tổ chức 2 năm một lần, là sự kiện quan trọng thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng trong ngành năng lượng nguyên tử tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy khoa học công nghệ ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.
Toàn cảnh Hội nghị.
Kể từ năm 2010, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã 4 lần tổ chức thành công hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử. Hội nghị lần thứ 5 này nhằm đẩy mạnh hơn nữa hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng, đồng thời, cũng nhằm xác định phương hướng, mục tiêu và các nhiệm vụ nghiên cứu cần thiết cho giai đoạn tiếp theo để góp phần xây dựng đội ngũ nghiên cứu trẻ trong ngành năng lượng hạt nhân ngày càng vững mạnh.
Qua quá trình phản biện một cách nghiêm túc của Hội đồng khoa học, Hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ 5 đã chọn được 63 báo cáo đến từ các đơn vị như: Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Công nghệ xạ hiếm, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Trung tâm hạt nhân TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Đánh giá không phá hủy, Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, Trung tâm Đào tạo hạt nhân, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam… Trong đó có 38 báo cáo được trình bày tại 2 Tiểu ban chuyên môn và 21 báo cáo dán bảng (Posters).
Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Trần Ngọc Toàn phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, nhiều tham luận đã tập trung vào các nội dung góp phần thúc đẩy ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội như: So sánh và đánh giá kế hoạch xạ phẫu khối u trong não trên máy cyberknife và truebeam STX; Thiết kế kênh chiếu xạ phục vụ nghiên cứu pha tạp đơn tính thể silic trên Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt; Tính toán các hiệu ứng tự che chắn, tán xạ nhiều lần và bắt bức xạ lên tiết diện neutron bằng chương trình mô phỏng MCNP; Dự đoán trạng thái nhiên liệu trong điều kiện vận hành ổn định của lò phản ứng hạt nhân AP-1000 bằng phần mềm mô phỏng FRAPCON; Khảo sát mô hình mô phỏng đối với phân bổ hệ số pha theo dọc kênh thực nghiệm ENTEK BM…
Hội nghị diễn ra từ ngày 3 - 4.10.2018.