Ghế của tân Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường “nóng” như thế nào? (Ảnh: IT)
Chưa công bố 4 Phó tổng Cục trưởng
Ngày 17.9, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có quyết định điều động và bổ nhiệm có thời hạn ông Trần Hữu Linh- Chánh Văn phòng Bộ Công Thương giữ chức vụ Tổng cục trưởng từ ngày 12.10.2018. Quyết định này được công bố đúng như lời đồn trước đó khoảng một tháng. Tuy nhiên, kể từ ngày 17.9 đến nay, 4 ghế Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường vẫn chưa được công bố.
Nhân sự của Cục quản lý thị trường trước đó gồm có Cục trưởng là ông Trịnh Văn Ngọc và các Cục phó gồm ông Trần Hùng, ông Nguyễn Trọng Tín, ông Nguyễn Thanh Bình và bà Chu Thị Thu Hương. Trong đó, ông Nguyễn Trọng Tín đã có quyết định về hưu chỉ sau một thời gian ngắn ông này công bố thông tin về 7 dấu hiệu vi phạm vụ việc Con Cưng tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.
Trước đó hơn 2 năm, ngày 29.6.2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có Quyết định số 2666 về việc điều động, bổ nhiệm chức vụ Chánh Văn phòng Bộ Công Thương cho ông Trần Hữu Linh, Ủy viên BCH Đảng ủy Bộ Công Thương, nguyên Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Cục TMĐT & CNTT).
Ông Trần Hữu Linh sinh năm 1977, có bằng cử nhân Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội; Cử nhân Công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ông Linh đến nay đã có khoảng 17 năm công tác tại Bộ Công Thương.
Theo thông tin trên website của Bộ Công Thương, “ông Linh từng công tác và có nhiều cống hiến tại Cục Xúc tiến thương mại, Cục TMĐT & CNTT, đến nay, ông Trần Hữu Linh được đánh giá là một trong những lãnh đạo trẻ, quyết đoán, năng động, nhiệt huyết, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Bộ, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ thông tin.
Sau gần 5 năm đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục TMĐT & CNTT, ông Trần Hữu Linh đã có những đóng góp nổi bật, góp phần thay đổi căn bản hạ tầng thương mại điện tử quốc gia, giúp Bộ Công Thương là một trong những Bộ, ngành đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin”.
Có thể thấy, những thông tin cũng rất “khiêm tốn” giới thiệu về tân Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, nhất là những kinh nghiệm về quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, trong khi quản lý thị trường được kỳ vọng là lực lượng “chủ công” càng khiến cho chiếc ghế “nóng” của đơn vị này được quan tâm hơn trong thời gian tới.
Ngày 3.10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Bàn giao Chi cục Quản lý thị trường 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về trực thuộc Bộ Công Thương (Ảnh: BCT)
Phải giảm 45% nhân sự
Ngày 3.10, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Bàn giao Chi cục Quản lý thị trường 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc về trực thuộc Bộ Công Thương.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chia sẻ, trong thời gian chưa đầy 2 tháng từ sau Quyết định số 34 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường có hiệu lực, các đơn vị liên quan đã khẩn trương, quyết liệt trong việc xử lý công việc ở mỗi địa phương để có được lễ bàn giao ngày hôm nay.
“Đây là bước chuyển tới một lực lượng chuyên trách, xuyên suốt theo tư tưởng chính quy hiện đại. Đồng thời cũng là mục tiêu phấn đấu trong điều kiện kinh tế thị trường, vì vậy rất cần tới con người và quy trình làm việc hiện đại phù hợp với thực tiễn, làm lành mạnh thị trường, bảo vệ người tiêu dùng. Bởi, nếu không có con người và quy trình hoạt động, công cụ phù hợp đủ sức tác nghiệp sẽ rất khó khăn trong quá trình hoạt động”, ông An chia sẻ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, theo kế hoạch, việc xây dựng Đề án thành lập 19 Cục Quản lý thị trường liên tỉnh sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước tháng 12 năm 2019, theo đó sẽ giảm từ 63 Cục cấp tỉnh, thành phố xuống còn 44 Cục cấp tỉnh, thành phố và liên tỉnh. Việc rà soát, giảm số lượng các Đội Quản lý thị trường cấp huyện xuống còn 376 Đội theo lộ trình đến năm 2020, giảm 24%.
Trước đó, theo Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ, bộ máy mới của Tổng cục này sẽ hoạt động theo mô hình mới, được cơ cấu lại theo ngành dọc và giảm hơn 45% nhân sự.
Cụ thể, tại T.Ư sẽ tinh giản từ 11 đơn vị xuống còn 6 (giảm 45,5%). Việc tinh giản này được thực hiện ngay từ ngày 12.10 tới đây. Tại địa phương, lực lượng quản lý thị trường cấp tỉnh sẽ sắp xếp theo lộ trình 2018 - 2020, tinh giản từ 63 xuống còn 44 đơn vị đến hết năm 2019.
Cùng đó sẽ sắp xếp 38 cục tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư xuống còn 19 cục quản lý thị trường liên tỉnh, giảm 30%. Cấp huyện cũng sẽ giảm các đội quản lý thị trường cấp huyện thành các đội liên huyện, mục tiêu giảm 305 đội (45%). Năm 2019, dự kiến kinh phí ngân sách dành cho lực lượng quản lý thị trường chiếm khoảng 50% ngân sách cấp cho Bộ Công Thương.
Tại hội nghị triển khai quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu thực tế thời gian vừa qua ở một số bộ phận của quản lý thị trường, một số cá nhân có những hành vi tiêu cực. Ông nhận định đó là những bài học rất "đau đớn và chua xót", cần nghiêm túc khắc phục để hoàn thiện mình trong thời gian tới. Theo ông Trần Tuấn Anh, những hành vi tắc trách vì sự thiếu hiểu biết chuyên môn cũng là những hành vi không thể chấp nhận được và không thể dung dưỡng đối với lực lượng quản lý thị trường.
Từ vị trí Chánh văn phòng, ông Trần Hữu Linh sẽ chính thức ngồi “ghế nóng” Tổng cục trưởng Quản lý thị trường được dự kiến sẽ phải đối mặt khá nhiều khó khăn vào thời gian tới.