Dân Việt

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nên ủng hộ tinh thần của VinFast

Nguyễn Tuyền 04/10/2018 14:43 GMT+7
Tôi rất chia sẻ lo lắng, rủi ro cho doanh nghiệp bởi va vào lĩnh vực này chúng ta không có lợi thế và khó hơn, nhưng tinh thần chung là nên ủng hộ VinFast bởi nếu Việt Nam mãi sợ, không dám dấn thân, mạnh dạn, nghĩ khác, làm khác, bỏ tiền của đầu tư thì đến bao giờ mới có sản phẩm để đưa ra cho người Việt Nam.

img

Nhân chuyện VinFast ra mắt hai chiếc xe hơi tại Pháp, phóng viên đã có cuộc trò chuyện với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về góc nhìn, đánh giá một sản phẩm và tinh thần Việt Nam, cùng bài học về nội địa hóa một sản phẩm công nghệ, kỹ thuật cao trong bối cảnh Cách mạng 4.0 đang thay đổi sản xuất thế giới hàng ngày, hàng giờ.

Thưa bà, lần đầu tiên, doanh nghiệp Việt ghi dấu trên trường quốc tế bằng ra mắt sản phẩm sản xuất, kỹ thuật cao là xe hơi thương hiệu Việt, bà có đánh giá thế nào về việc này?

- Cần đánh giá cao nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân vào ngành mới, đầy thách thức cạnh tranh quyết liệt với các đại gia đã thành công rất lớn.

Phải là những người nào có tinh thần kinh doanh rất cao mới dám làm, thậm chí liều lĩnh, chấp nhận rủi ro mới dám đương đầu vào ngành, lĩnh vực có nhiều ông "kẹ" của thế giới như Toyota, BMW, Mercedes, Honda... và đang có những thay đổi nhanh chóng từ động cơ, khí thải và công nghệ trên khắp thế giới.

Thời gian qua, có nhiều người nước ngoài hỏi tôi tại sao họ lại táo bạo như vậy? Tại sao chọn hướng cạnh tranh trực diện và làm xe trong lúc này? Tôi nói đây là quyết định của doanh nghiệp không ai giải thích được nhưng tôi là người dân Việt Nam tôi vui và ủng hộ.

Bà kỳ vọng gì vào sản phẩm của VinFast khi chỉ trong thời gian ngắn, các chi tiết như công nghệ, thiết kế chung của xe rất hiện đại?

- Cách nghĩ và cách làm của họ khác với nhiều người là chọn người giỏi nhất về mảng miếng để thiết kế và làm cho họ thay vì mò mẫm, đi nghiên cứu để đưa ra sản phẩm lỗi thời.

Tất nhiên ngay từ đầu cũng chưa thể kỳ vọng sản phẩm đó phải là sản phẩm tốt nhất, đẹp nhất và sản xuất ở Việt Nam hoàn toàn theo kiểu quan niệm trước đây phải làm ở Việt Nam hoàn toàn mới được coi là sản phẩm của Việt Nam

Bây giờ trong thế giới toàn cầu hoá, bao nhiêu sản phẩm được gia công ở Việt Nam, nhưng có giá trị gia tăng rất ít, lại được gắn mác "Made in Vietnam" xuất khẩu đi khắp các nước trên thế giới.

Trước đây, thường người ta chỉ nghĩ Việt Nam được nhận thuê làm gia công công đoạn nào đó của nước ngoài để hưởng công. Với việc thuê thiết kế, mua sáng chế, công nghệ hay kiểu dáng nước ngoài rõ ràng đây là cách tiếp cận mới, Việt Nam đã quay ngược trở lại đi thuê nước ngoài làm sản phẩm theo ý tưởng của mình, sản phẩm của mình, đây là điều khác biệt ở quy mô lớn hơn.

Tôi được biết VinFast cũng thành lập chuỗi sản xuất và thiết lập các kênh, doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp linh phụ kiện cho sau này, đây là bước đi đúng bởi nếu làm ngay lúc này e rằng sẽ khó.

Việt Nam có thể được coi là vùng trũng xe hơi thế giới khi xe điện xuất hiện ồ ạt trên thế giới đã thay đổi lớn từ công nghệ và giá xe và ngành năng lượng. Ra mắt xe sử dụng động cơ diezel lúc này của VinFast quả là thách thức để vươn ra thế giới, bà có lo lắng?

- Tôi rất chia sẻ lo lắng, rủi ro cho doanh nghiệp bởi va vào lĩnh vực này chúng ta không có lợi thế và khó hơn, nhưng tinh thần chung là nên ủng hộ VinFast bởi nếu Việt Nam mãi sợ, không dám dấn thân, mạnh dạn, nghĩ khác, làm khác, bỏ tiền của đầu tư thì đến bao giờ mới có sản phẩm để đưa ra cho người Việt Nam.

Tôi nhớ, những sản phẩm của Hàn Quốc, họ khi mua sáng chế, kỹ thuật và công nghệ của nước ngoài, từ Chính phủ, đến người dân rất ủng hộ mua cho dù ngay từ đầu các sản phẩm ấy không thể hoàn thiện bằng sản phẩm cùa Mỹ, Nhật. Tuy nhiên, đó là sản phẩm do dân Hàn Quốc làm ra, mang tính dân tộc, tinh thần quốc gia.

Có không ít người nghi ngờ và chỉ trích việc nhận vào mình thương hiệu Việt ở xe VinFast khi mà mọi thứ trên chiếc xe từ thiết kế, công nghệ và máy móc đều từ châu Âu?

- Không ai cấm họ nghi ngại, chỉ trích nhưng theo tôi chúng ta nên hoan nghênh tinh thần của doanh nghiệp, chủ sở hữu và mở lòng đón nhận hơn là biết ngồi chỉ trích.

Tất nhiên mọi thứ họ tính toán phòng ngừa rủi ro thì họ đã dám là, họ đã tính hết rồi, chúng ta không phải lo cho họ, họ dám nhận trách nhiệm về mình tức là họ đã có cách nghĩ hơn chúng ta.

Họ không đòi hỏi chính sách ưu đãi của Nhà nước như nhiều liên doanh ô tô tại Việt Nam khi lắp ráp tại Việt Nam, đến lúc Việt Nam mở cửa, lại đòi thêm ưu đãi để ở lại làm việc mà vẫn không cam kết nội địa hoá, giờ đây nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang đi nhập xe, buôn xe nước ngoài.

Trong trường hợp này tôi thấy doanh nghiệp này không đòi hỏi Nhà nước điều gì bởi cái họ cần không phải chính sách mà họ cần thị trường, họ nghĩ lớn hơn là chính sách.

Việc ra mắt một sản phẩm công nghệ cao chỉ trong vòng 1 năm và 1 năm nữa xe ra bản thương mại, đây có phải là kết quá của quá trình toàn cầu hóa chuỗi sản xuất mà một doanh nghiệp Việt biết tận dụng, khai thác?

- Vào năm 2000, khi thuật ngữ toàn cầu hóa đã phổ biến, ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tuyên bố toàn cầu hóa là thực tiễn chứ không phải là xu hướng nữa.

Ngày nay không thể tìm thấy một sản phẩm nào mà tất cả các cấu kiện chủ sản xuất được ở một nơi, các sản phẩm đều phân hóa theo giá trị ở nhiều nơi khác nhau.

Trong toàn cầu hóa sản phẩm hiện nay đều thực hiện theo mô hình chuỗi sản xuất khu vực hoá, quốc tế hóa cao. Chuỗi cung ứng sản phẩm khác nhau, các đối tác tham gia vào chuỗi khác nhau nhưng nó hình thành nên một sản phẩm mang thương hiệu một quốc gia.

Bài học của Boeing của Mỹ, hay Airbus của châu Âu hay Samsung của Hàn Quốc là như vậy. Hàng nghìn, thậm chí chục nghìn sản phẩm không chỉ được làm ra bởi người Mỹ, sản xuất ở Mỹ, ở EU, ở Hàn Quốc mà còn ở Nhật Bản, Việt Nam nhưng chốt lại sản phẩm đó cuối cùng vẫn là thương hiệu của Mỹ, EU và Hàn Quốc.

Trong trường hợp của VinFast, hãng xe lấy thiết kế của Ý, công nghệ và kỹ thuật của Đức, nhưng quan trọng nhất thương hiệu là của VinFast, ý tưởng, hồn cốt và chủ quyền sở hữu của chiếc xe đó là của VinFast.

Trong thế kỷ mà công nghệ dẫn đầu cuộc chơi, xe điện là thực tế của ngành xe hơi thế giới, chắc chắn những thách thức cả ở Việt Nam và tham vọng xuất khẩu của hãng xe VinFast sẽ cực kỳ khó khăn, quan điểm của bà về vấn đề này?

- Không thể trong thời gian ngắn, các bộ phận sẽ được sản xuất tại Việt Nam đâu bởi vì đây là lịch sử là sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, nếu đi tắt đón đầu vào xe điện, kỹ thuật mới với những con người lão làng của ngành ô tô đứng đầu, họ có triết lý kinh doanh và có quyền tin tưởng có được thị trường như điện thoại thông minh Apple như ô tô điện Tesla...

Xu hướng xe điện của thế kỷ 21, Cách mạng 4.0, mức giá kỳ vọng của họ như nào và phù hợp thời đại thay đổi nhanh, vòng đời sản phẩm quay nhanh, nếu không thay đổi là chết?

Tôi nghĩ bài toán kinh doanh mà người như ông Vượng đã tính hết rồi, ngay ở thị trường nội địa đã phải cạnh tranh với hàng loạt ông lớn trong thị trường từ liên doanh, đến hãng xe lắp ráp tư nhân, trong khi đó lại có thêm xe không thuế của Indonesia, Thái Lan, thậm chí thời gian tới là xe giảm thuế từ Trung Quốc nữa.

Đưa ra mức giá có thể chấp nhận được, nhưng với cách làm như thuê công nghệ, máy móc và kỹ thuật của các nước phát triển và bản thân chiếc xe đó, đừng chờ đợi nó rẻ hơn hoặc bằng xe Ấn Độ, Trung Quốc bởi hướng tiếp cận vấn đề ở góc khác nhau.

Đối với người tiêu dùng, chúng ta nên có cái nhìn công bằng bởi cách thức và triết lý của người chủ là làm xe theo tiêu chuẩn cao, tiêu chuẩn Đức, châu Âu sẽ khác.

Chắc chắn doanh nghiệp sẽ hiểu vòng đời sản phẩm hiện thay đổi nhanh, xe xăng kết hợp điện (hybrid), xe điện trên thế giới đang là thực tế ở các nước thì cần nhanh chóng có chiến lược phù hợp để đi cùng thời đại, đưa ra mức giá các dòng xe động cơ diezel phù hợp rồi nhanh chóng chuyển sang các dòng xe điện cho tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn chuyên gia!