Đến bản Chiên Luông Mai vào những ngày đầu tháng 10, mới tới đầu bản, chúng tôi đã cảm nhận được mùi hôi ngai ngái, khó chịu. Mùi hôi đó bốc ra từ khu chứa chất thải sơ chế cà phê, cách nơi ở của người dân trong bản chừng 200m. Ông Hoàng Văn Phớ, người dân bản Chiên Luông Mai, dẫn chúng tôi ra xem nơi đặt bể chứa nước thải. Càng tới gần, mùi hôi càng nồng nặc hơn.
Bể chứa nước thải sơ chế cà phê của bà Khúc Thị Vân, bản Hưng Nhân nằm trong một vườn cây ăn quả, khá rộng, được lót bạt. Dưới bể phủ kín một màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Cạnh bể nước thải là bãi tập kết vỏ cà phê, chất thành đống trên nền đất, rỉ nước đen sì.
Bể chứa nước thải từ việc sơ chế cà phê của bà Khúc Thị Vân, phủ kín một màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Quan sát xung quanh nơi chứa chất thải sơ chế cà phê của bà Vân, phóng viên Dân Việt nhận thấy có các rãnh dẫn ra khe núi gần đó.
Ông Phớ bức xúc: “Từ đầu vụ thu hoạch cà phê đến nay, dân bản chúng tôi hàng ngày, hàng giờ phải ngửi mùi hôi thối bốc ra từ khu chứa chất thải của cơ sở sơ chế cà phê này. Ban ngày ít mùi hơn, chứ từ chập tối cho đến đêm khuya mùi hôi thối cực kì nồng nặc, khó chịu, không thể ngủ ngon giấc. Cuộc sống của người dân trong bản bị đảo lộn, ai cũng bức xúc vì môi trường bị ô nhiễm. Người dân trong bản mong muốn cơ quan chức năng của huyện, xã nhanh chóng vào cuộc, yêu cầu cơ sở chế biến cà phê khắc phục, trả lại không khí trong lành cho bản”.
Đoạn ống nước thải của cơ sở sản xuất cà phê đi qua nhà ông Phớ bị vỡ, gây ra mùi hôi thối.
Theo ông Phớ, cuối tháng 9 vừa qua, đường ống nước thải từ khu sơ chế cà phê của bà Vân ra bể chứa, đoạn chạy qua trước cửa nhà ông bị bục, nước thải phun tóe loe ra đường, khiến gia đình ông và các hộ dân xung quanh mấy hôm mất ngủ vì mùi hôi thối. Trước cổng nhà ông vẫn còn đó những vệt nước thải đen sì trên nền đường.
Chị Điêu Thị Hặc, bản Chiên Luông Mai, cho hay: “Bản Chiên Luông Mai có 31 hộ dân. Cả bản đều phải hứng chịu mùi hôi thối bốc ra từ khu chứa chất thải sơ chế cà phê. Nhiều đêm, 2 mẹ con tôi mất ngủ cũng chỉ vì mùi hôi thối đó. Ban đêm, khi đi ngủ, tôi phải chùm chăn kín đầu, thỉnh thoảng mới hé chăn ra để thở. Khó chịu lắm, nhưng không biết kêu ai. Nhiều người gia, trẻ em trong bản bị tức ngực, khó thở vì mùi hôi thối đó”.
Cơ sở sơ chế cà phê của bà Vân đã gây nên mùi hôi thối, khiến các hộ dân bản Chiêng Luông Mai khổ sở, ăn không ngon, ngủ không yên.
Khu sơ chế cà phê của bà Vân nằm ở lưng chừng đồi, thuộc bản Hưng Nhân, đối diện với bản Chiên Luông Mai. Khi chúng tôi đến, cơ sở này đang hoạt động, tiếng máy sát vỏ, máy sấy chạy sình sịch.
Anh Bùi Công Thành, bản Hưng Nhân là người được bà Vân thuê làm quản lý cơ sở chế biến cà phê. “Chúng tôi xây dựng 2 bể chứa nước thải tại khu sản xuất và 1 bể chứa nước thải ở bản Chiên Luông Mai, cách đó khoảng 500m. Trong quá trình sản xuất, nước thải trong 2 bể chứa tại khu sản xuất được hút ra bể chứa ở bản Chiên Luông Mai. Bể chứa này có thể chứa được 12.000m3, được lót bạt chống thấm HDPE. Chúng tôi sử dụng nấm vi sinh xử lý nước thải tại bể chứa này, sau đó dùng để tưới cây ăn quả” – anh Thành cho biết thêm.
Các nhân viên Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Sơn La lấy mẫu chất thải để kiểm tra.
Khi chúng tôi đề nghị cho xem giấy phép hoạt động, kế hoạch bảo vệ môi trường và một số giấy tờ có liên quan đến việc sản xuất, sơ chế cà phê, anh Thành cho biết, các giấy tờ đó do bà Vân cất giữ.
Trao đổi với Dân Việt, ông Quàng Văn Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết việc người dân phản ánh cơ sở chế biến cà phê do anh Bùi Công Thành quản lý là có cơ sở. Sau khi nhận được tin báo của nhân dân, huyện đã thành lập tổ công tác phối hợp với cán bộ phòng chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La xuống lấy mẫu nước để xét nghiệm.
Ông Quàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu (người ở giữa) cùng các ban ngành xuống kiểm tra cơ sở sơ chế biến gây ô nhiễm môi trường trong đêm.
“Qua kiểm tra thực tế tại khu chứa chất thải của cơ sở chế biến cà phê do anh Thành làm quản lý, chúng tôi thấy có mùi hôi thôi đúng như người dân đã phản ánh. Cơ sở này cũng có hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường. Huyện sẽ thành lập tổ công tác xuống kiểm tra hồ sơ, giấy phép hoạt động và quy trình xử lý nước thải của cơ sở này. Quan điểm của huyện là phát triển bền vững, tức là một mặt đảm bảo nơi tiêu thụ cho người dân trồng cà phê, mặt khác cũng kiên quyết xử lý các cơ sở sơ chế cà phê không tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường” – ông Dũng nhấn mạnh.