Quý nhất lá dong xanh
Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Nguyên đan Quý Tỵ vậy mà Nguyễn Thu Hà – sinh viên trường ĐH Columbia - Thành phố New York (quê ở Nam Trực – Nam Định) vẫn phải lên máy bay sang Mỹ để vào học.
Đã 2 năm không được ăn Tết ở nhà, ngày Hà đi, mẹ Hà nước mắt ngắn nước mắt dài gói ghém cho con nào dưa hành, ngừng, nghệ, khoai lang, nấm hương, mục nhĩ…
Hà cho biết: “Những thứ này mang sang đó được thì quý lắm. Ngày Tết ở bên đây chỉ thèm được ăn những món này mà bên đây thì tìm mua rất khó. Thế nên, để có một mâm cơm Tết bên đó, tụi em phải phân công mỗi đứa mang một ít quà quê sang. Mà chỉ mang quà quê thôi, những thứ đồ khác là không thích”.
Nồi bánh chưng của chị Chu Thị Quế được gói bằng những nguyên liệu mang sang từ Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp |
Trong khi đó, hành trang trong chuyến bay cuối năm của sinh viên Lê Thị Mai ở Rathenau str 2, Jena, Đức lại lỉnh kỉnh nào măng khô, miến, lá dong, khung gói bánh...
Mai cho biết: "Các thực phẩm khô thì còn dễ bảo quản chứ lá dong mang sang sớm các bạn toàn phải bọc trong nilon rồi bỏ tủ lạnh. Đến 27 Tết mang ra gói lá cũng bị khô và giòn lên khó gói lắm. Bánh chưng cũng không được luộc bằng củi mà đun bằng… bếp ga nên không được ngon như bánh chưng ở nhà. Nhưng dù sao mọi người cũng rất thích vì cảm giác như mình đang được ăn Tết ở quê hương".
Anh Nguyễn Văn Mạnh đang làm việc ở Berlin, Đức (quê ở Khoái Châu, Hưng Yên) mới nhận từ nhà gửi sang một quả mít nặng 10kg. Anh Mạnh kể: "Ở bên Đức, các dì, anh chị và người yêu mình ai cũng bảo lâu lắm rồi không được ăn múi mít. Đợt vừa rồi, mẹ mình sang chơi, mình bảo không mang gì, chỉ mang một quả mít sang làm quà cho mọi người.
Mít mang sang tới nơi đúng vừa chín, bổ ra cho mọi người ăn. Hôm đó có chục người được ăn bữa mít thoải mái. Ai cũng tấm tắc khen ngon. Quả thật, mấy năm rồi mới được ngửi, ăn mít, cảm giác rất thích thú".
Vị Tết Việt ở trời Tây
Năm nào cũng thế, cứ đến 28 (âm lịch) mặc dù không có lịch nghỉ Tết nhưng mấy gia đình người Việt ở khu Rhinstr 123, 10315 Berlin, Đức cũng tự cho phép mình nghỉ vài ngày để chuẩn bị đón Tết âm lịch.
Chị Chu Thị Quế, đã sống gần chục năm ở khu phố này cho biết: “Dù không có đầy đủ đồ đạc, gia vị để làm, nhưng mấy chị em vẫn cố gắng đem chút vị Tết quê đến mâm cơm ngày này”.
Năm nay, chị Quế đã nhận được gạo nếp, đỗ xanh, lá dong và cả khung làm bánh ông bà gửi từ Thái Bình sang cho từ hôm 23 ông Táo. Ngoài bánh chưng, mọi người cũng làm nem cuốn, nấu xôi vò, giò lụa không có thì thay bằng thịt nguội, thịt hun khói…
“Mấy đứa trẻ con đến Tết thì cũng háo hức lắm, chúng phân công nhau cắt hoa làm cành đào giả để bày trong nhà. Mấy ngày đó, dù ngoài trời tuyết vẫn rơi, nhưng bên mâm cơm đoàn viên mọi người thấy ấm cúng vô cùng”.
Có chồng là người Đức, nhưng Tết năm nào chị Trần Thị Phượng (ở Baerenstein str 36, 12685 Berlin) cũng làm cơm Việt đón Tết cùng chồng và các con. Chị Phượng cho biết: “Anh Detlef Lanz - chồng tôi rất thích ăn đồ Tết của Việt Nam. Đặc biệt là món nem rán ăn với bún.
Ở Đức, thỉnh thoảng cũng tìm được một số đồ bán trong siêu thị và khu người Việt để làm cho anh ăn. Nhưng Tết đến khi người nhà gửi được sang cho mộc nhĩ, nấm hương, ớt tươi…để làm nem thì anh ăn rất nhiều. Các con tôi cũng rất thích đồ ăn Việt. Chính điều đó khiến tôi rất tự hào khi nói chuyện về quê ngoại và nấu nướng cho chồng con”.
Tuy đã cố gắng để có một cái Tết mang hương vị quê ở trời Tây cho gia đình, nhưng không ít lần bên mâm cơm đoàn viên, cô Hoàng Mai Hoa, 58 tuổi (sinh sống tại Nga) phải rớt nước mắt vì nhớ quê.
Nhớ cái se se lạnh và cơn mưa phùn trong đêm giao thừa mịt mù, nhớ cả mùi trầm hưong trên những khung bàn thờ đầy ắp hoa qủa….
“Tết chính là khi những người xa xứ nhưng chúng tôi quặn lòng nhớ quê nhất. Dù có sống đến nửa cuộc đời bên đất khách nhưng vị Tết quê nhà lúc nào cũng thèm thuồng và không thể nào quên được”, cô Hoa nói.
Tùng Anh