Dân Việt

MobiFone nói gì về bỏ quy định chủ thuê bao phải nộp ảnh chân dung?

Hoàng Thành 05/10/2018 07:00 GMT+7
Sau khi Bộ TTTT đề nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định chụp ảnh chân dung để xác định thuê bao chính chủ, về phía nhà mạng MobiFone đã lên tiếng về việc này.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

Đáng chú ý, Bộ TTTT đề nghị xem xét bãi bỏ quy định chụp ảnh chân dung để xác định thuê bao chính chủ. 

Lý giải về việc này, Bộ TTTT cho rằng, ngay sau khi các quy định về việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp được các doanh nghiệp triển khai, người dân và các cơ quan báo chí đã có phản ứng cho rằng chụp ảnh là xâm phạm đến quyền riêng tư của người dân.

img

Bộ TTTT đề nghị Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định chụp ảnh chân dung để xác định thuê bao chính chủ.

Việc này cũng có thể gây lộ lọt thông tin riêng và không cần thiết do đã có chứng minh nhân dân. Đối với các thuê bao đã có thông tin chính xác (như thuê bao trả sau) mà vẫn yêu cầu bổ sung chụp ảnh là không cần thiết.

Bộ cũng cho rằng kết quả rà soát, đánh giá đến thời điểm này cho thấy để đảm bảo thông tin thuê bao là chính xác thì nhất thiết phải có việc đối chiếu giữa thông tin thuê bao do DN viễn thông thu thập với cơ sở dữ liệu thông tin nhân thân đáng tin cậy (của cơ quan nhà nước có trách nhiệm).

Tuy vậy, hiện tại nước ta lại chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu căn cước công dân điện tử để kết nối, đối chiếu. Điều đó dẫn tới các DN viễn thông thật sự không có cơ sở để đối chiếu, chứng minh thông tin thuê bao là chính xác hay không.

Theo đó, Bộ TTTT kết luận, việc chụp ảnh, bổ sung ảnh chụp thật sự không mang lại ý nghĩa trong công tác quản lý. “Nếu tiếp tục yêu cầu các thuê bao, đặc biệt là các thuê bao đã có thông tin đầy đủ, chính xác như các thuê bao trả sau, đi bổ sung ảnh chụp (các DN ước tính còn khoảng 38 triệu thuê bao dạng này) sẽ lại tiếp tục gặp phản ứng. Do vậy, thực sự cần xem xét, bãi bỏ quy định này” - Bộ TTTT nhấn mạnh.

Về vấn đề này, đại diện nhà mạng MobiFone cho biết, trong suốt quá trình triển khai Nghị định 49/2017/NĐ-CP, MobiFone đã ghi nhận rất nhiều các phản ánh của khách hàng liên quan tới việc triển khai Nghị định tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như trên các trang mạng xã hội và qua hệ thống website của MobiFone.

“Nhiều khách hàng rất quan tâm đến vấn đề về quyền riêng tư. Đã có khách hàng từ chối cung cấp vì cho rằng việc chụp ảnh chụp chân dung và sử dụng ảnh là vấn đề nhạy cảm liên quan đến quyền riêng tư của khách hàng và hiện chưa có dịch vụ nào yêu cầu người sử dụng phải cung cấp nhiều thông tin như vậy. Việc sử dụng giấy tờ tùy thân (Chứng minh nhân dân, hộ chiếu...) đã được pháp luật công nhận là hoàn toàn đáp ứng được thông tin về cá nhân chủ thuê bao, mà không cần thiết yêu cầu khách hàng chụp ảnh chân dung khi giao dịch” – đại diện MobiFone cho biết.

Theo thống kê của Bộ TTTT, tính tới tháng 3.2018, còn 34 triệu thuê bao chưa đăng ký đầy đủ thông tin để phục vụ công tác quản lý viễn thông, hạn chế SIM rác và tin nhắn rác.

Đánh giá về việc Bộ TTTT đề nghị xem xét bãi bỏ quy định chụp ảnh chân dung để xác định thuê bao chính chủ, đại diện MobiFone cho rằng, về khía cạnh quản lý nói chung, MobiFone nhận thấy việc triển khai Nghị định 49 đã có vai trò rất tích cực trong việc quản lý thuê bao trả trước, qua đó thông tin của khách hàng được quản lý đầy đủ hơn, chính xác hơn, giúp ích cho công tác quản lý thuê bao trả trước và hạn chế rất nhiều hiện tượng tin nhắn rác trong thời gian vừa qua.

Việc quản lý đối với khách hàng là cần thiết khi doanh nghiệp muốn triển khai tốt hơn dịch vụ của mình. Thông qua các thông tin chính xác của khách hàng, doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn công tác CSKH. Bản thân khách hàng cũng sẽ được chăm sóc tốt hơn khi các chương trình CSKH, khuyến mại của doanh nghiệp được thực hiện đúng với từng khách hàng.

Tuy nhiên, đứng về phía khách hàng, MobiFone cũng mong muốn công tác quản lý tạo nhiều thuận lợi và tiện ích hơn cho khách hàng. Bởi mỗi khách hàng không chỉ sử dụng một dịch vụ của MobiFone mà còn sử dụng rất nhiều dịch vụ khác nhau, cần phải xác định chính xác tính đích danh của khách hàng. 

“Vì vậy, các cơ quan quản lý cũng nên nhanh chóng quy định thống nhất, đồng bộ quản lý thông tin của khách hàng qua một ID duy nhất để không chỉ MobiFone mà các doanh nghiệp khác thực hiện tốt vai trò quản lý của mình cũng như CSKH được tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và khách hàng trong quá trình cung cấp và sử dụng dịch vụ” – đại diện MobiFone cho hay.