Dân Việt

Câu ếch đồng mùa nước nổi, mỗi đêm bắt 5-10 ký, dư vài trăm ngàn

Quang Hải 05/10/2018 13:15 GMT+7
Đang vào mùa nước nổi ở miền Tây nên thủy sản như cá tôm, cua, rắn, ếch theo nước về nhiều. Các thợ cắm câu ếch ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) sau mỗi đêm bắt được 5-10 ký ếch đồng, có dư vài trăm ngàn đồng là chuyện thường.

Mùa nước nổi ở miền Tây, cũng là thời điểm mưu sinh của nhiều người làm nghề đẩy côn bắt cá, đặt trúm bắt lươn và có cả nghề cắm câu ếch đồng. Đây là nghề đơn giản dễ làm, nhưng cho thu nhập cao.

Tiếp chuyện với chúng tôi trong dáng vẻ mệt mỏi, mắt quầng thâm, lão nông Năm Phúc cho hay: “Ở xứ Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) này, trước đây có rất nhiều người làm nghề cắm câu ếch. Nghề này cũng không nặng nhọc, chi phí đầu tư mua dụng cụ hành nghề, chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng tiền mua lưỡi câu, dây nhợ là có thể làm nghề”.

img

Ếch đồng mùa lũ bán ở chợ ngày một nhiều.

Thời điểm bắt đầu nghề cắm câu ếch là khi kết thúc vụ lúa Hè thu. Lúc này, bà con đã thu hoạch xong vụ lúa, đồng trống, ếch nhái không nơi trú ngụ, kéo nhau vào bờ tìm nơi ẩn nấp, chờ đêm xuống bò ra ăn mồi. Tuy nhiên, thời điểm này ếch còn nhỏ và cũng chưa nhiều, khi ếch vào mùa nước nổi là lúc đủ mồi ăn mau lớn.

Người làm nghề cắm câu ếch chỉ cần có từ 100 - 200 cần câu thì cũng kiếm được từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi đêm. Riêng những người cắm câu ếch chuyên nghiệp bằng mồi pha trộn thêm thuốc bắc thì mỗi đêm kiếm được từ 400.000 - 500.000 đồng, là chuyện không khó.

Anh Toàn còn cho biết thêm bí quyết câu ếch đồng mùa nước nổi. Muốn dính được nhiều ếch, ngoài một số vị thuốc bắc mua về pha trộn chung với ốc thì mồi lót cũng là yếu tố quan trọng để dẫn dụ ếch đến ăn mồi câu. Mồi lót tốt nhất là cá biển bằm nhuyễn, rồi cho vào chai nhựa, đậy nút lại đem phơi nắng khoảng vài giờ cho cá thối lên, ếch ngửi được mùi sẽ mau đến ăn câu.

Anh Toàn, người hàng xóm với ông Phúc, chuyên làm nghề cắm câu ếch đồng, cho biết: “Ngày xưa, người ta cắm câu ếch còn chờ đến xong mùa vụ, còn bây giờ thì cắm được quanh năm trong rẫy mía, hay cặp bờ mương vườn trồng cây ăn trái”.

Mồi cắm câu ếch cũng đơn giản là ruột ốc bươu vàng cắt nhỏ và vài con cá biển được bằm nhuyễn. Cần câu được làm bằng trúc cắt đoạn, mỗi đoạn dài khoảng 25cm/cần, dây tóm lưỡi câu được làm bằng dây ni-lông, mỗi sợi dài từ 30 - 40cm là vừa.

Chiều xuống theo chân anh Toàn, chúng tôi làm cuộc hành trình đi cắm câu ếch. Chiếc xuồng nhỏ rẽ sóng lướt nhanh qua cánh đồng mênh mông tràn ngập nước, khi vừa cập bến một gò cao, anh Toàn thò tay xuống ruộng móc lên nắm đất rồi đắp lên bờ, tha cho láng và mở nắp chai lấy mồi lót để lên bãi đất, rồi lấy cần câu móc miếng mồi ốc vào, cắm xuống để miếng mồi có lưỡi câu trên mặt bãi đất và cứ đi vài bước anh cắm một cần.

Anh Toàn tâm sự: “Nếu muốn dính được nhiều ếch thì phải chọn những nơi bờ thấp, trống hoặc ít cỏ và tô lên bãi một ít sình non, vì đặc tính của ếch rất thích đến những chỗ láng để ngồi chờ ăn mồi”. Một người cắm từ 100 - 200 cần câu ếch phải mất từ 4 - 5 tiếng đồng hồ mới xong. Vì vậy, họ phải đi từ rất sớm, đến khoảng 9 - 10 giờ đêm thăm lại một lần, rồi bỏ luôn cho tới sáng nhổ về.

Với số câu như vậy, vào thời điểm mùa nước nổi như hiện nay, gặp nơi ếch nhiều một đêm dính từ 5 - 10kg ếch là chuyện bình thường. Hiện thương lái mua ếch đồng tại chợ với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, tùy theo ếch lớn nhỏ, bỏ đi tiền chi phí thuốc mồi, người làm nghề cũng còn doi dư vài trăm ngàn đồng/đêm.

Sau cái thở dài, lão nông Năm Phúc đưa đôi mắt nhìn xa xăm rồi nói rằng: “Ngày xưa, ếch ở vùng này nhiều lắm, còn bây giờ thì ít rồi. Tuy nhiên, đối với người có kinh nghiệm và cần cù chịu khó thì mỗi đêm cũng kiếm vài kg ếch. Đây còn là cơ hội cho nhiều hộ nghèo, đặc biệt là thanh niên có công ăn việc làm thường xuyên, ổn định được cuộc sống”.