Các dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) mà biểu hiện cụ thể là các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” luôn bị đặt dấu hỏi về nguy cơ gây thất thoát nguồn lực Nhà nước, xã hội (Ảnh minh họa)
Trong nhiều năm qua, hình thức đầu tư đối tác công tư được các quốc gia sử dụng như là một giải pháp giải bài toán phát triển hạ tầng nhanh chóng trong khi nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế.
Ở Việt Nam, hình thức được ưa chuộng nhất là hình thức đầu tư BT (Xây dựng - Chuyển giao) mà biểu hiện cụ thể là các dự án “đổi đất lấy hạ tầng”. Song việc xuất hiện nhiều dự án BT khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả của các dự án BT này cũng như cái giá phải trả liệu có tương xứng, phải chăng Nhà nước và xã hội đã thất thoát một nguồn lực khổng lồ?
Ngày 19.7.2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong quá trình thực hiện một số dự án theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, đối với dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này không chính xác làm tăng giá trị hợp đồng lên 19,5 tỷ đồng. Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An cũng có sai phạm tương tự làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 12 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho số tiền tăng thêm 15,9 tỷ đồng.
Đối với dự án nút giao thông Long Biên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư làm tăng giá trị trên 34 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho tăng thêm hơn 4,5 tỷ đồng.
Một số vi phạm khác về giải phóng mặt bằng, di dời, tính toán khối lượng dự toán…cũng đã khiến cho dự án đội thêm trên 12 tỷ đồng.
Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT tính toán sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư hơn 14,4 tỷ đồng.
Tiếp theo, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017 do Quốc hội ban hành, có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2018, thay thế Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước 2008 tính đến nay đã gần 1 năm, song vẫn còn thiếu quy phạm pháp luật quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Dự án theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT).
Do thiếu khung pháp lý nên ngày 28.3 vừa qua, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các Bộ, UBND thành phố các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1.1.2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)
Tới chiều 5.10, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp báo chuyên đề về “Xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT”.
Chia sẻ khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thực hiện thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT, ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thừa nhận, kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 mà dự thảo Nghị định chưa được ký ban hành thì Bộ Tài chính đã thấy sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý như hiện nay.
Ông Nguyễn Tân Thịnh nói: “Ngày 1.1.2018, khi dự thảo Nghị định được Chính phủ ký ban hành, Bộ Tài chính cũng thấy từ 1.1.2018 sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý, nên ngay tháng 1.2018, chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ về việc chuyển tiếp một số nội dung, trong đó có xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT”.
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh, nếu dự án BT được thanh toán rồi mà không phù hợp quy định của pháp luật, việc xử lý vấn đề liên quan sẽ rất khó khăn.
Đồng thời, với vai trò là Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), ông Nguyễn Tân Thịnh cũng chia sẻ, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT gặp rất nhiều khó khăn vì liên quan nhiều pháp luật khác nhau như Luật Đầu tư, Luật Đất đai. Đặc biệt là câu chuyện xác định giá trị quyền sử dụng đất thế nào cho sát giá thị trường, tránh lãng phí. Vậy nên, Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện văn bản pháp luật trước khi ban hành.