Dân Việt

Sự nghiệp của Chủ tịch Interpol 'biến mất' ở Trung Quốc

Phương Vũ 06/10/2018 15:05 GMT+7
Trước khi làm Chủ tịch Interpol, Mạnh Hoành Vĩ là thứ trưởng công an Trung Quốc, nhưng mới bị miễn nhiệm vị trí trong đảng ủy.

img

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ tại Singapore tháng 7.2017.

Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đang trở thành tâm điểm chú ý sau khi cảnh sát Pháp được vợ ông trình báo rằng ông không liên lạc với gia đình kể từ khi quay trở về Trung Quốc. Lần cuối cùng ông Mạnh được nhìn thấy là khi ông rời trụ sở Interpol ở Lyon, Pháp để về quê nhà Trung Quốc vào cuối tháng 9.

Interpol thông báo đã nhận được thông tin này, nhưng khẳng định đây là "vấn đề giữa nhà chức trách có liên quan ở cả Pháp và Trung Quốc". Trong khi đó, truyền thông Hong Kong đưa tin ông Mạnh đã bị nhà chức trách Trung Quốc giải đi ngay sau khi đặt chân xuống sân bay và đang bị điều tra.

Mạnh Hoành Vĩ, 64 tuổi, sinh ra tại thành phố Cáp Nhĩ Tân ở đông bắc Trung Quốc và tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Bắc Kinh danh tiếng. Ông từng là trợ lý bộ trưởng công an trước khi trở thành thứ trưởng công an vào năm 2004. Cũng vào năm này, ông trở thành người đứng đầu chi nhánh Trung Quốc của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), theo AP.

Năm 2016, ông Mạnh được bầu làm Chủ tịch Interpol. Đây là cơ quan thúc đẩy hợp tác cảnh sát lớn nhất thế giới với 192 quốc gia thành viên. Vị trí chủ tịch có nhiệm kỳ 4 năm, được bầu bởi Đại hội đồng Interpol, gồm đại diện của tất cả thành viên.

Ông Mạnh thường xuyên làm việc ở trụ sở chính của Interpol tại Lyon, Pháp và xuất hiện nhiều tại các cuộc họp về phòng chống tội phạm. Hồi tháng 5, ông phát biểu tại Ireland, thảo luận về sự thay đổi của tội phạm toàn cầu và sự cần thiết của việc Interpol không bị ràng buộc bởi các yếu tố chính trị. "Trước hết, rõ ràng là toàn cầu hóa, ảo hóa và công nghệ cao là những tính chất mới của tội phạm", ông nói.

"Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ giữ lập trường và thái độ trung lập trong những vấn đề chính", ông Mạnh phát biểu thêm. Tuy nhiên, một số nhóm hoạt động lo ngại rằng ông Mạnh có thể lợi dụng quyền lực của mình ở Interpol để phục vụ cho chương trình nghị sự của Trung Quốc.

Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến dịch "Săn cáo" nhằm truy nã và hồi hương các quan chức và doanh nhân tham nhũng trốn ra nước ngoài, đôi khi với sự giúp đỡ của Interpol. Vị trí Chủ tịch Interpol có thể khiến ông Mạnh, người có thâm niên công tác trong ngành công an Trung Quốc, chịu thêm áp lực.

Tháng 4.2017, theo yêu cầu của Bắc Kinh, Interpol đã phát lệnh truy nã đỏ với tài phiệt Trung Quốc Quách Văn Quý, người bị cáo buộc tham nhũng đã rời khỏi nước này năm 2014. Lệnh truy nã đỏ được ban hành với những cá nhân đang bị truy tìm để bắt hoặc truy tố, nhưng không phải là lệnh bắt quốc tế. Hiện có 44 người bị truy nã đỏ theo yêu cầu của Trung Quốc trong danh sách trên trang web của Interpol.

Cương vị của ông Mạnh khiến ông tiếp xúc gần gũi với các lãnh đạo Trung Quốc trong ngành an ninh. Dù hiện không có cáo buộc công khai nào chống lại ông, ông Mạnh nhiều khả năng từng phối hợp chặt chẽ với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, người đang chịu án tù chung thân vì tham nhũng. 

Chu Vĩnh Khang là một trong những quan chức cấp cao nhất ngã ngựa trong chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng. Các quan chức có dấu hiệu tham nhũng thường bị các điều tra viên của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương giữ lại để thẩm vấn, điều tra trong thời gian dài, trước khi hồ sơ được chuyển cho cơ quan công tố.

Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc hồi tháng 4 miễn nhiệm vị trí ủy viên của ông Mạnh nhưng không đưa ra lời giải thích. "Đây có thể là dấu hiệu cho thấy sự nghiệp chính trị của ông đi xuống hay đơn giản là khúc dạo đầu cho việc nghỉ hưu sắp tới vì ông đã 64 tuổi", AP nhận xét.