Dân Việt

Doanh nghiệp Việt còn ngại kết nối với doanh nhân kiều bào

Thuận Hải 06/10/2018 20:00 GMT+7
Có hơn 1.000 doanh nhân kiều bào đang đầu tư vào TP.HCM nhưng mối liên kết với các doanh nghiệp địa phương còn khá lỏng lẻo. Doanh nghiệp trong nước muốn vươn ra thế giới phải “tự bơi” trong khi doanh nhân kiều bào về nước cũng phải “tự mò” để tìm đường đầu tư, kinh doanh…

Việc này khiến cộng đồng doanh nghiệp người Việt chưa khai thác hết được sức mạnh tập thể, mạng lưới doanh nhân người Việt khắp nơi trên thế giới cũng như khiến việc đầu tư ngược trở lại TP.HCM chưa thật sự hiệu quả.

Tại buổi “Kết nối doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp TP.HCM” do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM và Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) tổ chức chiều ngày 6.10, ông Peter Hồng, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ, rất nhiều kiều bào muốn về Việt Nam đầu tư, nhưng từ trước tới nay đều phải tự đi, tự tìm tòi hoặc doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu hàng hóa cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Việc thiếu thông tin ban đầu hoặc phải đi “lòng vòng” để tìm đầu mối hợp tác làm ăn, kinh doanh khiến doanh nghiệp tốn nhiều thời gian, công sức. Do đó, BAOOV đã thiết kế một cơ sở dữ liệu để hỗ trợ kết nối, giao thương giữa hai bên với nhau.

img

Hơn 100 doanh nghiệp TP.HCM và doanh nhân kiều bào tham gia kết nối hợp tác trong chiều nay. 

Với mong muốn kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào, BAOOV đã đến Sở KH-ĐT TP.HCM để xin danh sách gần 1.200 doanh nghiệp kiều bào đang đầu tư ở TP.HCM để thực hiện việc liên lạc, kết nối, tạo nên một cộng đồng chung cùng chia sẻ thông tin với nhau.

“Hiệp hội đã gửi thư, email, fax tới toàn bộ gần 1.200 doanh nghiệp này nhưng kết quả chỉ có… vài doanh nghiệp phản hồi. Hiệp hội đầu tư 70 triệu đồng tiền điện thoại, gọi điện đến từng nơi nhưng con số doanh nghiệp trả lời cũng rất ít”, ông Peter Hồng cho biết.

“Hầu hết các doanh nghiệp chỉ có tên, còn không rõ địa chỉ ở đâu. Riêng TP.HCM đã như thế, cả nước hơn 6.100 doanh nghiệp kiều bào thì không rõ thế nào? Muốn kết nối thì làm cách nào? Tìm họ ở đâu để kết nối…”, ông Peter Hồng trăn trở.

Ông Peter Hồng kể, trong những chuyến đi công tác ở Trung Quốc, ông được biết gạo Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này rất lớn. Nếu tính trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7 triệu tấn gạo, thì hết 50% là vào Trung Quốc.

Vậy mà, gần như tất cả các cửa hàng, siêu thị ở Trung Quốc đều không thấy bóng dáng gạo Việt, bởi tất cả đều mang bao bì, nhãn mác của nước sở tại. Đây là điều rất đau xót cho nông sản Việt.

Do vậy, vị doanh nhân này cho biết, bằng mọi giá phải làm cho được Data Việt kiều để kết nối kiều bào và doanh nghiệp Việt với nhau. Đây chính là xu thế, cũng chính là giải pháp hữu hiệu, không tốn kém chi phí mà Hiệp hội đang triển khai và sẽ vận hành trong thời gian ngắn sắp tới.

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng chia sẻ, dù rất muốn kết nối, xúc tiến thương mại để doanh nghiệp nội địa đưa hàng xuất ngoại, tuy nhiên, Hiệp hội còn rất mù mờ thông tin ở các quốc gia mà mình muốn kết nối. Do đó, khó xây dựng chương trình xúc tiến để đảm bảo sau chuyến đưa doanh nghiệp đi nước ngoài sẽ có hợp đồng được ký kết; khó nắm nhu cầu thị trường cho từng loại hàng hóa, địa chỉ cần mua bán. Ngay cả những đầu mối làm nhiệm vụ thường xuyên trao đổi thông tin đủ tin cậy, có thể phối hợp tổ chức các sự kiện phục vụ doanh nghiệp hội viên cũng chưa có.

Bà Valerie T.Vo, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Mỹ, cũng chia sẻ rằng, lâu nay việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư về nước còn nhiều khó khăn đối với doanh nhân Việt Kiều, vì phải tốn nhiều thời gian để qua các “cửa ngõ”.

Trong khi đó, đội ngũ doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài là những người có thể tiếp cận sớm nhất những thay đổi về chính sách, nhu cầu, thị hiếu thị trường… về các mặt hàng xuất nhập khẩu. Nếu mối quan hệ giữa các doanh nghiệp chặt chẽ hơn, thông tin trao đổi nhanh hơn thì việc phát triển kinh tế cũng sẽ dễ dàng hơn.

img

Các doanh nhân kiều bào cho rằng, nếu người sản xuất trong nước có thể áp dụng một số công nghệ nuôi trồng mà Mỹ đang áp dụng, việc xuất khẩu nông sản vào thị trường này sẽ dễ dàng hơn. 

Bà Valerie cho ví dụ như tại Mỹ, khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, có nhiều thay đổi trong các chính sách kinh tế. Việt Nam xuất khẩu nhiều sản phẩm nông sản sang Mỹ nhưng gần đây lại gặp nhiều khó khăn do các rào cản kỹ thuật phía Mỹ đặt ra.

“Nếu người sản xuất trong nước có thể áp dụng được một số công nghệ nuôi trồng của Mỹ, thực hiện theo quy trình của Mỹ thì khi xuất khẩu sang thị trường này sẽ dễ dàng hơn. Sắp tới, Hội doanh nhân Việt Mỹ cũng sẽ trực tiếp tìm một số đầu mối để chuyển giao công nghệ và vốn về với nông nghiệp Việt Nam”, bà Valerie cho biết.

Dịp này, BAOOV, HUBA, HAWEE đã kí kết biên bản ghi nhớ hợp tác chính thức, nhằm hiện thực hóa các giải pháp kết nối, hướng đến việc đẩy mạnh liên kết, đưa hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế thông qua các doanh nghiệp kiều bào xuất khẩu nói riêng và doanh nghiệp thành phố nói chung.

Đồng tình về việc dùng công nghệ 4.0 để kết nối kiều bào và doanh nghiệp Việt, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội nữ Doanh nhân TP.HCM (HAWEE) cam kết đồng hành trong việc dùng ứng dụng để kết nối, sẻ chia thông tin với kiều bào.

“Có rất nhiều chương trình chúng tôi muốn hợp tác như kết nối đầu mối về xuất nhập khẩu và bán hàng 2 chiều xuyên biên giới; cung cấp thông tin hữu ích về các dự án đầu tư tiềm năng, thông tin kinh tế, thị trường, cập nhật các chủ trương chính sách có liên quan”, bà Dung chia sẻ.