Chị Bùi Thị Lan ở xã Đống Thếch, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình vốn là một nông dân thuần phác. Suốt nhiều năm đi làm thuê, làm mướn ở nhiều nơi, nhưng đồng lương thu lại không đáng là bao. Cách đây mấy năm, chị có đến làm việc cho HTX Mường Động, huyện Kim Bôi tại đây, chị đã nhận được sự chỉ bảo của các thợ làm kỹ thuật ghép cây nơi đây.
Đội ghép cây của chị Lan giờ đã lên đến 10 người.
Từ khi học được nghề ghép cây có múi, cuộc sống của chị đã đỡ vất vả hơn. Nhất là mấy năm gần đây, nhu cầu ghép cây giống, chuyển đổi cây bưởi kém chất lượng sang giống mới mang lại hiệu quả kinh tế coa hơn, chị Lan làm không hết việc. Trước đây đi làm thuê phun thuốc, làm cỏ công 120.000đ/ngày, nay đi ghép cây, chị được trả 300.000đ/ngày.
Chị Lan còn hướng dẫn nhiều chị em khác trong xã cùng làm nghề ghép cây. Giờ đây, chị đã tập hợp được cả một đội chuyên đi ghép cây lên đến 10 người. "Người dân ở nhiều nơi biết chúng tôi ghép được cây, họ đã liên tục gọi điện và thuê chúng tôi ghép. So với làm nông nghiệp ở nhà, đi ghép cây, công cao hơn nhiều".
Diện tích cây có múi không ngừng gia tăng cũng tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ đất Mường có thêm nghề mới là nghép cây.
Cũng giống như chị Lan, ông Dương Quá ở xã Ngọc Mỹ, huyện Tân Lạc lại là một thợ ghép cây nổi tiếng khắp vùng. Ông Quá đi làm cả năm không hết việc. "Việc chuyển đổi cây có múi kém hiệu quả, sang giống mới là sự lựa chọn đúng. Nhưng chỉ có thân cây bưởi mới chuyển sang ghép cam, ghép bưởi sớm, muộn... mới được. Việc chuyển đổi sẽ giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí và thời gian thu hoạch", ông Quá cho biết.