Tại Miền Bắc tiếp tục ghi nhận giá heo có xu hướng giảm. Cụ thể, tại một số tỉnh như Nam Định, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Giang, giá heo hơi dao động trong khoảng 50.000 – 52.000 đồng/kg; trong khi đó tại Lào Cai, Yên Bái, giá heo vẫn ở mức cao: 53.000 – 54.000 đồng/kg.
Giá heo hơn tại Miền Trung, Tây Nguyên ít biến động, ổn định ở mức từ 47.000 – 54.000 đồng/kg; tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình: giá heo duy trì ở mức tốt: 51.000 – 53.000 đồng/kg.
Tại Miền Nam, trái ngược với hai miền, giá heo hơi lại có xu hướng tăng, cụ thể, tại Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Cần Thơ, giá heo tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước, đạt mức 53.000 – 54.000 đồng/kg; cá biệt tại Trà Vinh, giá heo lên đến 55.000 đồng/kg.
Giá heo hơi sẽ ổn định ở mức cao từ nay đến cuối năm. Ảnh: I.T.
Theo nhận định của Cục Chăn nuôi, giá heo từ nay đến cuối năm sẽ ổn định ở mức cao, khoảng 50.000 đồng/kg, sau đó sẽ giảm dần và đi vào ổn định, nhưng khó có chuyện giảm sâu.
Trong khi đó, trước tin đồn dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã phản bác thông tin cho rằng, virus lạ - nghi là virus dịch tả heo châu Phi đã xuất hiện tại một trang trại heo tỉnh Nam Định.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, sau khi có thông tin về virus lạ, nghi là dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại Nam Định, Bộ đã yêu cầu lấy mẫu trên 3 con heo bị bệnh và mang đi kiểm nghiệm bằng các phương pháp hiện đại nhất thế giới. Kết quả kiểm nghiệm tại 4 đơn vị đều cho thấy các mẫu kiểm tra âm tính với virus dịch tả heo châu Phi. Hiện, bệnh này chưa có thuốc đặc trị và có dấu hiệu lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là ngay tại Trung Quốc, trong đó có các tỉnh tiếp giáp với nước này như Lạng Sơn dễ bị ảnh hưởng. Do đó, theo Thứ trưởng Tuấn, giải pháp tốt nhất của Việt Nam lúc này là phòng bệnh.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho hay tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại Trung Quốc nếu nước này không kiểm soát được dịch bệnh sẽ làm tăng giá thịt lợn hơi của nước này, nguồn hàng khan hiếm. Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn ASF lây lan vào Việt Nam, đặc biệt cần tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp đưa lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Hiện, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, cửa khẩu.