Dân Việt

Toàn cảnh vụ Trung Quốc “táo bạo” bắt giữ Chủ tịch Interpol

Trà My - Quartz 09/10/2018 18:55 GMT+7
Không rõ cuộc điều tra ông Meng Hongwei sẽ kéo dài bao lâu hay kết thúc thế nào nhưng các thông tin dưới đây có thể gợi ý những điều sắp xảy ra.

img

Meng Hongwei, chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc.

Hai năm trước, Meng Hongwei trở thành người Trung Quốc đầu tiên đứng đầu Interpol, tổ chức hợp tác cảnh sát quốc tế có trụ sở tại Lyon, Pháp. Gần hai tuần trước, ông mất tích. Ngày 7.10, Trung Quốc thông báo Meng đang bị điều tra vì "nghi ngờ vi phạm pháp luật", theo cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc.

Bộ Công an Trung Quốc ngày 8.10 nói rằng Meng đã nhận hối lộ và bị điều tra để “hoàn toàn khắc phục dòng ảnh hưởng độc hại do Chu Vĩnh Khang gây ra”. Meng từng làm việc với Chu, nguyên Bộ trưởng Công an Trung Quốc, một trong những chính trị gia cấp cao nhất “ngã ngựa” trong chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Việc bắt giữ Meng, 64 tuổi, là động thái táo bạo của Trung Quốc, tờ New York Times nhận định. Trung Quốc từ lâu đã có tham vọng nắm giữ các vai trò lãnh đạo trong các tổ chức quốc tế. Việc bắt giữ ông Meng dường như đã làm suy yếu chiến dịch này của Trung Quốc.

Không rõ cuộc điều tra Meng sẽ kéo dài bao lâu hay kết thúc như thế nào. Nhưng các thông tin về sự nghiệp chính trị và vụ bắt giữ Meng có thể gợi ý những điều sắp xảy ra, theo Quartz.

Tháng 4.2004: Thăng tiến trong Bộ Công an Trung Quốc

Sở hữu bằng cử nhân luật của Đại học Bắc Kinh, một trong những đại học ưu tú nhất Trung Quốc, Meng làm thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc từ năm 2004, cấp dưới của ông Chu. Cùng năm, ông Meng trở thành người đứng đầu Interpol Trung Quốc. Meng cũng từng nằm giữ các chức vụ như giám đốc Văn phòng chống khủng bố quốc gia và được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát biển nước này vào năm 2013.

img

Sở hữu bằng cử nhân luật của Đại học Bắc Kinh, một trong những đại học ưu tú nhất Trung Quốc, Meng làm thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc từ năm 2004

Tháng 11.2012: Ông Chu nghỉ hưu

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2012, ông Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư. Cùng năm, Chu Vĩnh Khang nghỉ hưu. Không lâu sau khi nghỉ hưu, Chu biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng.

Năm 2014, chính quyền Trung Quốc xác nhận Chu đang bị điều tra tham nhũng. Cuộc điều tra nhắm đến hàng trăm người thân cận với Chu trong ngành công nghiệp dầu mỏ và trong Bộ Công an.

Chu nhận án chung thân vào năm 2015 vì tội hối lộ và lạm dụng quyền lực. Con trai và vợ của ông ta cũng bị kết tội hối lộ vào năm sau.

Tuy nhiên, Meng vẫn “bình an vô sự”. Trong những ngày gần đây, vợ của Meng nói rằng Meng và Chu không thân thiết và Chu đã cố gắng đuổi Meng khỏi Bộ Công an.

img

Meng từng nằm giữ các chức vụ như giám đốc Văn phòng chống khủng bố quốc gia và được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát biển nước này vào năm 2013.

Tháng 11.2016: Biểu tượng của tham vọng vươn tầm quốc tế của Trung Quốc

Vào tháng 11.2016, Meng được bầu làm Chủ tịch Interpol với nhiệm kỳ bốn năm.

Meng được bầu khi Trung Quốc đang truy tìm các quan chức và nghi phạm được xác định là “100 người bị truy nã gắt gao nhất”, một chiến dịch bắt đầu vào năm 2014. Interpol, với 192 quốc gia thành viên, có quyền phát hành “thông báo đỏ” để bắt giữ những người này.

Trong suốt thời gian Meng ở Interpol, Trung Quốc đã đệ lên Interpol danh sách những nghi phạm bị truy nã gắt gao nhất. Trong đó, 15 người đã trở lại Trung Quốc từ năm 2017. Trung Quốc cũng yêu cầu Interpol đưa ra "thông báo đỏ" để bắt giữ Guo Wengui, một ông trùm bất động sản Trung Quốc sống ở Mỹ, người đưa ra những cáo buộc nghiêm trọng nhằm vào các quan chức Trung Quốc.

Tháng 12.2017-4.2018: Dấu hiệu của sự bất ổn

Mặc dù việc ông Meng bị bắt giữ có vẻ bất ngờ, trong quá khứ từng có những dấu hiệu cho thấy sự xuống dốc của ông.

Chính quyền Trung Quốc đã loại Meng khỏi chức vụ người đứng đầu Cục Cảnh sát Hàng hải và Cục phó Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc vào tháng 12.2017 mà không cung cấp chi tiết.

Vào tháng 4, Bộ Công an tiết lộ Meng không còn là thành viên của ủy ban giám sát bộ này, một động thái tiếp tục làm suy yếu thế lực của ông.

img

Vào tháng 11.2016, Meng được bầu làm Chủ tịch Interpol với nhiệm kỳ bốn năm.

Ngày 23.8: Được nhìn thấy lần cuối ở nơi công cộng

Sự xuất hiện công khai cuối cùng của Meng là tại Singapore, khi ông gặp thư ký thường trực thứ hai của quốc gia này.

Ngày 25.9: Biểu tượng cảm xúc hình con dao

Grace Meng, vợ của ông Meng, nói rằng vào ngày 25.9, ông Meng gửi cho bà một biểu tượng cảm xúc hình con dao và lời nhắn “chờ anh gọi”.

Sau đó, bà mất liên lạc với chồng. Grace báo cảnh sát Lyon vào ngày 4.10, nói với họ rằng bà đã không gặp chồng mình trong 10 ngày kể từ khi ông đến Trung Quốc.

Ngày 6.10: Interpol đặt câu hỏi

Sau khi nhận được báo cáo mất tích của bà Meng, Interpol cho biết hôm thứ 7 rằng họ đã yêu cầu "sự làm rõ từ chính quyền Trung Quốc" về nơi ở của Meng.

Ngày 7.10: Xác nhận, từ chức

Trong tối chủ nhật, cơ quan điều tra của đảng Cộng sản Trung Quốc và một cơ quan chống tham nhũng quốc gia cho biết Meng đang bị điều tra. Không lâu sau đó, Interpol nói rằng người đàn ông 64 tuổi này đã từ chức.

Cùng ngày, Grace tổ chức một cuộc họp báo ở Lyon.

"Từ bây giờ, tôi đã chuyển từ nỗi buồn và sợ hãi đến mong muốn tìm ra sự thật, và trách nhiệm đối với lịch sử", bà Meng nói bằng tiếng Trung Quốc. "Tôi làm việc này cho người chồng mà tôi yêu thương sâu sắc, cho con cái của tôi, cho người dân quê hương của tôi, cho tất cả các bà vợ và trẻ nhỏ, để các ông chồng của họ sẽ không biến mất nữa”.

Ngày 8.10: Meng Hongwei bị Trung Quốc cáo buộc tội hối lộ

Trong một tuyên bố được đăng trên các trang tin Trung Quốc, Bộ Công an nước này nêu ra lý do Meng bị giam giữ:

“… Cuộc điều tra Meng Hongwei về tội hối lộ và nghi ngờ vi phạm pháp luật được diễn ra rất kịp thời, hoàn toàn chính xác và khôn ngoan. Nó phản ánh đầy đủ thái độ rõ ràng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là cốt lõi trong việc quản lý chặt chẽ đảng và đấu tranh chống tham nhũng. Nó kiên quyết chứng minh rằng không có đặc quyền và không có ngoại lệ trước pháp luật. Bất cứ ai vi phạm pháp luật đều bị trừng phạt. Chúng ta phải kiên quyết duy trì thẩm quyền và sự trang nghiêm của luật pháp, ghi nhớ rằng không thể vượt qua vạch đỏ của luật pháp… Việc xây dựng cho hệ thống pháp lý một “đường dây điện cao thế” là cần thiết”.

Ý đồ của Trung Quốc khi bắt giữ chủ tịch Interpol?

Việc bắt giữ ông Meng là động thái táo bạo của Trung Quốc, tờ New York Times nhận định.