Dân Việt

An Giang: Làng ương cá lóc lớn nhất miền Tây kéo cá chạy lũ

Nguyễn Nhân 11/10/2018 13:54 GMT+7
Ấp Mỹ Quí và Mỹ An (xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) được gọi là “làng cá lóc giống” bởi nơi đây tập trung hàng trăm hộ ương nuôi. Tuy nhiên, hiện dân làng ương cá lóc giống này có nguy cơ trắng tay vì bị nước lũ uy hiếp. Nhiều hộ đang kéo cá chạy lũ...

Tuy nhiên khoảng 10 ngày nay, tất cả người dân trong ấp Mỹ Quý, Mỹ An, xã Mỹ Phú như ngồi trên lửa vì diện tích ao nuôi bị nước lũ uy hiếp.

img

Hàng trăm hộ nuôi cá lóc điêu đứng vì bị nước lũ uy hiếp vùng nuôi.

Mất ăn mất ngủ vì nước lũ lên nhanh

Mới đây, Báo CATP nhận được đơn cầu cứu của hơn 40 hộ dân ở ấp Mỹ Quí, xã Mỹ Phú. Trong đơn người dân trình bày: Chúng tôi là những nông dân đang trực tiếp nuôi cá lóc giống, từ lúc nuôi cá đến nay đời sống phát triển rõ nét, thoát nghèo. Thế nhưng, những ngày gần đây do triều cường và nước từ các hầm cá tra xả ra gây ngập toàn bộ diện tích nuôi cá, cây ăn trái. Do vậy, người dân đã có đề xuất với hợp tác xã (HTX), UBND xã Mỹ Phú để đóng góp kinh phí tháo nước nhằm hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên đến nay UBND không có mời người dân họp bàn về sự việc trên khiến nhiều gia đình mất ăn mất ngủ vì bao nhiêu tiền của sắp trôi theo dòng nước. Người dân cho rằng, tài sản mất trắng vậy họ sẽ sống sa sao?

Ngồi trong nhà với vẻ mặt buồn bã, ông Lê Văn Ngao (61 tuổi, ngụ ấp Mỹ Quí) nuôi 70 học (ô) cá giống trên diện tích 2 công đất cho biết: “Đầu năm, chúng tôi thỏa thuận với HTX bơm 3 vụ, với mức giá 100 ngàn đồng/công bởi đây là khu vực trong vùng đê bao. Tuy nhiên đến nay đơn vị này chẳng chịu bơm rút nước để người dân tiếp tục sản xuất.

Việc bỏ ngang giữa chừng khiến bà con sẽ rất nhiều thiệt hại. Diện tích trên gia đình chỉ cần đợi thêm 20 ngày nữa sẽ thu hoạch 300kg cá giống, bán với giá 300 ngàn đồng/kg nhưng nếu không bơm nước coi như mất trắng”.

img

Người dân đắp đê để hạn chế nước lũ tràn vào.

Tương tự có 32 hộc cá lóc giống, ông Lê Văn Thuận than vãn: “Nếu không bơm vài ngày nữa nước sẽ ngập và lượng cá giống sẽ đi hết. Thay vì bơm 100 ngàn đồng/công nay người dân đồng ý với mức giá 500 ngàn đồng nhưng HTX vẫn không chấp nhận mà cứ than lỗ. Nếu đơn vị này rút nước thời điểm này vụ đông xuân sẽ nhẹ bơm hơn rất nhiều. Nhìn số cá trong ao sắp bị thiệt hại gia đình mất ăn mất ngủ vì bao nhiêu vốn liếng đã dồn hết vào đấy”.

Những hộ có đất sản xuất đã khó khăn còn những hộ thuê mướn còn khổ hơn vì phải vay nợ. Bà Trần Thị Chi (57 tuổi) cho hay: “Để có tiền cho con cái học hành gia đình đi thuê 3 công đất, với giá 21 triệu đồng/năm nuôi cá. Cá để bán được phải ương nuôi trong 1 tháng, trong khi đó hiện khu vực này đa số chỉ từ 10 – 13 ngày. Vợ chồng hiện rất lo lắng vì nếu không bơm rút nước không cách nào cứu số cá giống trong ao, lấy tiền trả nợ”.

HTX "bỏ chạy" vì nợ tiền điện

14 giờ chiều, phóng viên có mặt tại kênh Bộ Đội thấy người dân hết sức hối hả kéo lưới, bơm nước, dùng xe chở để di dời số cá trong ao; phía xa là những chiếc máy ko-be hì hục được thuê để gia cố đê bao. Đang bơm nước trong các hộc thu hoạch cá, anh La Văn Đen cho biết: “Giờ nước ngập rồi chỉ còn cách đưa số cá nuôi trong 80 hộc này dời qua bên sông để hạn chế thiệt hại bởi khu vực đó có bơm rút. Không đủ chỗ di dời hôm qua tôi bán tháo mấy chục học chỉ đủ vốn, còn các hộc này cá mới 13 ngày không ai mua”.

img

Người dân kéo cá giống để chạy lũ.

Sử dụng lưới để kéo số cá giống trong ao, anh Dương Lâm Tuấn (ngụ ấp Mỹ An) có 2 công đất nuôi cá cho biết: “Nước ngập khu vực nuôi cá đã 1 tuần lễ rồi và đang tiếp tục dâng thêm. Đối với khu vực ngập cá đi hết luôn, còn nếu ai kịp di chuyển thiệt hại 40% vì chết, sót lại trong ao. Việc di dời để vớt vát lại phần nào chi phí chứ các hộ nuôi sẽ thua lỗ nặng”.

Nhận định về tình hình nước lũ, anh Trương Phú Vĩnh có 7 công đất nuôi cá và 3 công cam cạnh mương Bộ Đội cho hay: “Giờ mạnh ai làm đê để bảo vệ số cá nuôi chứ địa phương không đứng ra tổ chức họp dân tháo nước. Khu vực này nếu không bơm nước sẽ còn dâng lên cao cả mét nước nữa, lúc đó thiệt hại không hề nhỏ. Tôi đã đầu tư 50 triệu đồng mà giờ cá bán chẳng được mà di dời cũng chẳng xong”.

img

Cá giống quá nhỏ người dân muốn bán sớm cũng không được.

Theo thống kê, toàn xã Mỹ Phú có 215 hộ nuôi cá lóc giống, với diện tích gần 80ha. Ông Nguyễn Duy Phương – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Phú, cho biết: “Xã đã làm việc 5 lần với HTX nông nghiệp Phú Thuận. Tuy nhiên phía HTX cho biết đang gặp nhiều khó khăn vì nông dân trồng lúa nợ tiền trong khi số tiền họ nợ bên điện lực Châu Phú khoảng 300 triệu đồng. Do vậy phía bên điện lực đã cắt điện dẫn đến không thể bơm rút nước được. Phía HTX cho rằng nếu bơm với diện tích 1.500 héc-ta số tiền rất lớn nông dân đóng không nổi (!)”.

Theo lời ông Phương, theo kế hoạch khu vực trên vẫn được xuống giống lúa 3 vụ nhưng do hệ thống đê bao không đảm bảo địa phương đã cắt vụ. Do vậy diện tích hoa màu, cây ăn trái và nuôi cá bị ảnh hưởng khoảng trên 750 héc-ta, trong đó riêng nuôi cá trên 60 héc-ta.

“Ngoài việc ngưng phục vụ vụ thu đông, HTX Phú Thuận còn xin ngưng cả vụ đông xuân sớm sắp tới. Ngày mai, địa phương tiếp tục mời HTX đến để tháo gỡ khó khăn cho nông dân”, ông Phương cho biết thêm.