Nội dung của bài báo nhan đề "Văn hóa thịt chó của Việt Nam xung đột với thị hiếu hiện đại" vừa đăng tải trên tờ Deutsche Welle đã được lược dịch như sau:
Thịt chó từ lâu đã là món ăn khoái khẩu của người dân Việt Nam. Ảnh: Deutsche Welle.
Hoàng đã ăn thịt chó từ khi còn nhỏ. Anh không thể hình dung sẽ có lúc mình không còn được ăn món này ít nhất 2 lần/tháng.
Tháng trước, UBND TP.Hà Nội có văn bản về quản lý việc nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo. Theo đó, thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh phòng bệnh dại; tuyên truyền để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.
Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế. Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn...
Những người mê ăn thịt chó và các chủ cửa hàng bán loại đồ ăn này tỏ ra lo ngại, lệnh cấm sẽ được mở rộng và quyết định chính thức cấm ăn thịt chó, mèo trên toàn quốc.
Theo Hoàng, nhu cầu ăn thịt chó, mèo hiện rất cao. Chỉ riêng một con hẻm nhỏ trong TP.HCM đã có ít nhất 4 cửa hàng bán thịt chó. Mọi người tụ tập quanh những chiếc bàn nhỏ để nhậu các món làm từ thịt chó cùng với rượu hoặc bia.
Hoàng đang ngồi cùng 3 người bạn ở một bàn trong quán. Anh nói: "Đối với chúng tôi, ăn thịt chó là truyền thống. Nó bình thường giống như ăn hải sản hoặc thịt gà".
Nhiều người Việt Nam cũng có quan niệm như Hoàng. Đối với họ, thịt chó không khác gì các loại thịt khác. Thêm vào đó, một số người còn tin rằng, ăn thịt chó vào cuối tháng sẽ giúp họ "giải đen". Đó là lí do tại sao các nhà hàng bán thịt chó luôn đông khách hơn vào cuối tháng.
Chính quyền Thủ đô cho rằng, ăn thịt chó làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Thói quen này còn có thể dẫn đến việc lây nhiễm căn bệnh dại chết người.
TP.HCM cũng đang áp dụng cách làm cứng rắn hơn. Hồi tháng 9 vừa qua, chợ bán thịt chó lớn nhất thành phố vừa bị thanh kiểm tra đột xuất. Báo chí đưa tin, nhiều chủ cửa hàng bị phạt và một lượng lớn thịt chó chưa qua chế biến bị thu giữ vì không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam là chó bị bắt trộm rồi bán cho các nhà hàng.
Ông Chiến, một người đã bán thịt chó được hơn 10 năm ở TP.HCM, cho hay áp lực đối với những người bán thịt chó đã gia tăng trong 5 năm trở lại đây. Ông cần phải rất minh bạch về nguồn nhập thịt chó để kinh doanh.
"Toàn bộ thịt tôi đang bán là từ một nguồn cung cấp đủ tiêu chuẩn. Tôi có mọi giấy tờ và chứng nhận cần thiết. Xã hội luôn coi thường chúng tôi nên tôi cần giữ cho việc kinh doanh của mình càng trong sạch càng tốt", ông Chiến giải thích.
Nhà hàng của ông là một trong những cơ sở được ưa thích trong thành phố. Mỗi tháng, nhà hàng thu hút khoảng 1.000 thực khách và sử dụng hết khoảng 100 con chó. Theo ông, có cầu ắt có cung.
Ước tính ở Việt Nam mỗi năm có 5 triệu con chó bị giết mổ để phục vụ nhu cầu ăn uống. Trong khi con số này ở Trung Quốc lên tới gần 20 triệu con.
Các nhà hoạt động vì quyền động vật ủng hộ việc cấm ăn thịt chó. Họ đã đấu tranh suốt nhiều năm qua để đưa món ăn gây tranh cãi này ra khỏi thực đơn, với lí do việc giết hại chó, mèo là dã man và người Việt thường lo sợ cho sự an toàn của thú cưng.
Ông Chiến cũng biết chuyện phản đối ăn thịt chó. Ông nói sẽ ngưng bán nó nếu chính quyền ban hành lệnh cấm. Song, ông hoài nghi mọi việc sẽ diễn tiến xa đến như vậy.