Dân Việt

Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai: Nông dân đóng góp phát triển kinh tế địa phương

Lê Kiến (ghi) 10/10/2018 07:03 GMT+7
Nhân dịp Đại hội đại biểu Hội Nông dân (ND) tỉnh Gia Lai lần thứ VIII, Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai.

Ghi nhận vai trò và những đóng góp quan trọng của giai cấp nông dân trong công cuộc phát triển kinh tế địa phương, ông Dương Văn Trang cho rằng, có được điều đó là nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của Hội ND các cấp.

Thưa ông, trong những năm vừa qua, tỉnh Gia Lai đã có những thay đổi vượt bậc như thế nào về kinh tế?

- Trong năm năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng khá (năm 2017) GRDP của tỉnh tăng 8,42% duy trì đà tăng trưởng cao vừa tạo điều kiện thay đổi cơ cấu kinh tế.  Mức tăng của nông, lâm nghiệp, thủy sản là 6,51%. Trong đó, ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 38,75% cơ cấu kinh tế. Thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 42,5 triệu đồng, hộ nghèo còn 13,84%.  Đạt được những kết quả trên, ngoài sự vào cuộc của Đảng bộ tỉnh, có phần đóng góp quan trọng của giai cấp nông dân toàn tỉnh.

img

Ông Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai (phải) trao quà cho hộ nghèo xã Ia Le, huyện Chư Pưh. Ảnh: L.K

"Đảng và Nhà nước ta luôn xác định: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước”.

Ông Dương Văn Trang

Những đóng góp của Hội ND tỉnh Gia Lai trong sự phát triển này là gì thưa ông?

- Là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân, Hội ND tỉnh luôn là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của giai cấp mình, thống nhất với lợi ích chung của dân tộc. 5 năm qua, Hội ND tỉnh Gia Lai luôn phấn đấu vượt qua khó khăn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; Tuyên truyền, vận động, tập hợp ngày càng đông đảo nông dân vào tổ chức Hội.

Ngoài ra, Hội còn phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức kinh tế - xã hội khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn lực; Tư vấn, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, ngày càng chủ động tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; Nổi bật là việc phối hợp với chính quyền các cấp trong triển khai “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về vấn đề tam nông”.

Theo ông, hoạt động nào của Hội ND đạt được kết quả ấn tượng nhất trong nhiệm kỳ vừa qua?

 - Nhiệm kỳ vừa qua, Hội ND tỉnh đã có nhiều phong trào thiết thực có sức lan tỏa, được đông đảo hội viên, nông dân hưởng ứng. Trong đó, điểm nhấn trọng tâm là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 85.000 hộ nông dân được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó có 5 nông dân tiêu biểu đạt danh hiệu “nông dân Việt Nam xuất sắc” và 3 “sản phẩm nông nghiệp công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu” do Trung ương Hội ND Việt Nam bình chọn; Hội còn xây dựng được 165 hợp tác xã, 719 tổ hợp tác, 779 nhóm sở thích và nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả.

Hội ND tỉnh đã có những đóng góp gì trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở địa phương thưa ông?

- Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp hội phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng các chương trình, dự án của địa phương với sự hỗ trợ của Nhà nước theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cán bộ, hội viên, nông dân đã tham gia đóng góp gần 15 tỷ đồng và hiến hàng ngàn m2 đất, để xây nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học phục vụ đời sống của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng nông thôn mới.

Xin cảm ơn ông!