USS Forrestal hoạt động trên Địa Trung Hải năm 1957. Ảnh: US Navy.
Sau Thế chiến II, đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách, chính phủ Mỹ yêu cầu quân đội nước này nhanh chóng giảm quy mô lực lượng và hủy các dự án tốn kém, khiến Lầu Năm Góc phải gác lại tham vọng đóng tàu sân bay cỡ lớn USS United States.
Tuy nhiên, khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, Mỹ nhanh chóng nhận ra tàu sân bay không chỉ giúp họ phản ứng nhanh chóng với yêu cầu nhiệm vụ, mà các phi đội chiến đấu cơ xuất phát từ tàu sân bay còn thực hiện các nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực mặt đất hiệu quả hơn không quân. Do đó, hải quân Mỹ cho rằng cần sớm thúc đẩy dự án đóng siêu tàu sân bay USS Forrestal có kích thước lớn hơn nhiều so với USS United States.
Tuy nhiên, số phận của tàu sân bay Forrestal gặp trắc trở ngay từ trên giấy, khi gặp sự phản đối quyết liệt từ không quân Mỹ. Tư lệnh không quân Mỹ, đại tướng Curtis LeMay cho rằng tàu sân bay dù lớn và hiện đại đến đâu cũng không thể sánh được với máy bay cất cánh từ đất liền.
Theo thiết kế đề xuất, các tàu sân bay lớp Forrestal có thể thực hiện đòn tấn công hạt nhân vào lãnh thổ đối phương, nhưng tướng LeMay cho rằng chúng sẽ chẳng thể làm được như vậy ngay từ giai đoạn đầu của cuộc chiến, không giống như oanh tạc cơ B-52 của không quân.
Hải quân thì khẳng định tàu sân bay vừa đáp ứng năng lực viễn chinh cao hơn không quân, vừa có thể mang theo vũ khí hạt nhân. Washington cuối cùng quyết định theo đuổi dự án Forrestal và lễ khởi đóng tàu USS Forrestal diễn ra vào ngày 14.7.1952 tại Nhà máy đóng tàu hải quân Newport News ở bang Virginia.
Đây là tàu chiến lớn nhất từng được đóng cho đến thời điểm đó. Tàu dài 325 m, rộng 73 m, lượng giãn nước tối đa 81.000 tấn, vận tốc tối đa 61 km/h, chở theo 85 máy bay các loại, thủy thủ đoàn hơn 5.500 người.
Con tàu trị giá 217 triệu USD (trên 2 tỷ USD thời giá hiện nay) được hoàn thành sau hai năm và được hạ thủy vào ngày 11.12.1954, được đưa vào biên chế hải quân Mỹ một năm sau. Ngoài tàu USS Forrestal, hải quân Mỹ sau đó còn đóng ba tàu lớp Forrestal là USS Saratoga, USS Ranger và USS Independence.
Con tàu bi kịch
Hoạt động quân sự đầu tiên của USS Forrestal là tham gia vào chiến dịch giải quyết cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez năm 1956. Tuy nhiên, USS Forrestal nhanh chóng gây chú ý không phải về năng lực tác chiến, mà vì hàng loạt tai nạn cháy nổ, đến mức nó có nhiều biệt danh đầy mỉa mai như USS Zippo (theo tên loại bật lửa xăng Zippo), Forest Fire (Cháy rừng) hay Firestal (Tàu lửa).
Sự cố lớn nhất trên tàu USS Forrestal là vụ cháy nổ ngày 29.7.1967 khiến phi công John S. McCain, người sau này trở thành thượng nghị sĩ và ứng viên tổng thống Mỹ, suýt thiệt mạng.
Theo History, vào sáng "định mệnh" đó, một quả rocket Mk-32 "Zuni" trên một chiếc F-4B Phantom II đậu trên khoang do bị chập điện đã tự động phóng đi, bắn trúng một chiếc cường kích A-4E Skyhawk. Tai nạn bất ngờ này đã gây ra vụ cháy nổ kinh hoàng trên tàu, làm 134 người thiệt mạng, 161 người bị thương, 63 trong tổng số 81 máy bay trên tàu bị phá hủy hoặc hư hại nặng.
Đám cháy trên boong tàu Forrestal năm 1967. Ảnh: US Navy.
Sau thảm họa, tàu Forrestal bị hỏng nặng và phải nằm cảng sửa chữa trong 8 tháng với tổng thiệt hại khoảng 72 triệu USD (tương đương gần 550 triệu USD ngày nay). Đây được coi là một trong những sự cố thảm họa nghiêm trọng nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.
Ngày 10.7.1972, trong khi neo đậu tại cảng Norfolk, bang Virginia, Forrestal lại một lần nữa hứng chịu một trận hỏa hoạn lớn. Một thủy thủ được cho là đã vô tình gây nên đám cháy từ một phòng máy tính ở tầng O-3 (ngay dưới boong tàu). Lực lượng chữa cháy phải cắt một lỗ trên boong để bơm nước vào dập lửa, nhưng cách làm này đã hủy hoại tất cả thiết bị điện tử đắt tiền trong phòng.
Tàu phải tới Nhà máy đóng tàu hải quân Portsmouth ở bang New Hampshire để sửa chữa trong ba tháng. Dù không có báo cáo thương vong về người, ngọn lửa đã gây thiệt hại hơn 7 triệu USD (tương đương khoảng 42 triệu USD ngày nay).
USS Forrestal sau đó trải qua một cuộc đại tu kéo dài 9 tháng vào năm 1977, nhưng lại gặp sự cố vào đầu năm 1978 khi hoạt động ngoài khơi bang Florida. Một cường kích A-7 Corsair II khi đang hạ cánh xuống tàu đã đâm vào một chiếc máy bay tác chiến điện tử EA-6B Prowler và một chiếc A-7 khác, khiến hai thủy thủ thiệt mạng và 10 người bị thương.
Chỉ trong vài ngày đầu tháng 4.1978, trên tàu Forrestal xảy ra liên tiếp ba vụ cháy nhỏ nhưng không gây thiệt hại về người và nhanh chóng được dập tắt.
Hai tháng sau, tàu tiếp tục chứng kiến hai vụ rơi máy bay A-7 khi di chuyển trên vùng biển Ionia, gần đảo Sicily của Italy, khiến một phi công thiệt mạng và một người bị thương.
Ngày 9.10.1989, một vụ cháy bùng phát ở một khu vực chỉ huy, kiểm soát chính trên tàu làm 9 thủy thủ bị thương và gây thiệt hại khoảng 2,5 triệu USD (tương đương hơn 5,1 triệu USD ngày nay). Đây cũng là vụ hỏa hoạn cuối cùng được ghi nhận trên tàu USS Forrestal.
USS Forrestal (thứ ba từ dưới lên) tham gia một cuộc diễn tập năm 1991. Ảnh: US Navy.
Sau gần bốn thập kỷ phục vụ nhưng liên tiếp xảy ra nhiều sự cố, tàu USS Forrestal được chuyển về Philadelphia để đại tu trong 14 tháng và trở thành phương tiện huấn luyện cho hải quân Mỹ từ ngày 14.9.1992. Đến ngày 11.9.1993, hải quân Mỹ quyết định loại con tàu khỏi biên chế.
Một số phụ tùng, trang thiết bị của tàu USS Forrestal được gỡ bỏ để tận dụng cho các tàu sân bay khác của Mỹ. Năm 1999, hải quân Mỹ thông báo sẵn sàng tặng con tàu cho bất cứ tổ chức nào để cải tạo nó thành bảo tàng hoặc đánh chìm tàu để làm rạn san hô nhân tạo, nhưng tất cả kế hoạch này đều thất bại.
Cuối cùng, hải quân Mỹ ngày 22.10.2003 tuyên bố bán tàu USS Forrestal cho công ty phá dỡ tàu biển All Star Metals với giá chỉ một cent, chấm dứt hành trình đầy bi kịch của siêu tàu sân bay Mỹ đầu tiên.