Thực tế, mọi hoạt động xuất khẩu vẫn bình thường, còn giá giảm chính là do nông dân đã không đo được những cơn sóng của thị trường mà chong đèn quá sớm, khiến sản lượng thanh long tăng đột biến.
Đúng là có nhiều nơi giá thanh long đã rơi xuống mức 1.000 – 2.000 đồng/kg, tính ra, 1kg thanh long không bằng một ly trà đá. Nhưng ngay lập tức, Cục Bảo vệ thực vật đã lên tiếng trấn an dư luận: Thanh long giá rẻ chủ yếu là loại có phẩm cấp, chất lượng kém, còn sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có giá và thị trường tiêu thụ ổn định.
Sản lượng thanh long của Bình Thuận năm nay tăng đột biến.
Bản thân đại diện Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận cũng thừa nhận, sản lượng thanh long năm nay tăng đột biến, bởi thời tiết thuận lợi cho thanh long ra hoa kết trái, bởi kỹ thuật chong đèn kích thích thanh long ra hoa của người dân ngày càng điêu luyện.
Bên cạnh đó, sau tuần lễ Quốc khánh của Trung Quốc, sản lượng nhập khẩu có giảm nên ít nhiều tác động đến thị trường.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 27.000ha thanh long, với sản lượng khoảng 600.000 tấn. 80% trong số đó được xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Nhìn vào con số này cũng có thể hiểu, chỉ cần một động thái nhỏ từ phía bên kia cửa khẩu cũng có thể khiến một vùng sản xuất rộng lớn của ta lao đao.
Những người nông dân than thở thanh long Bình Thuận đã chín… không đúng thời điểm. Bởi chỉ cần sớm hơn nửa tháng, các doanh nghiệp đã kịp đóng gói, xuất khẩu trong dịp tết Trung thu và Quốc khánh của Trung Quốc khi nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá bán có thể đạt 18.000 – 20.000 đồng/kg. Còn thời điểm này, nhu cầu “ăn” hàng đang rất chậm. Đó là chưa kể, Trung Quốc cũng đang vào thời điểm thu hoạch rộ thanh long. Và họ cũng không hề giấu diếm tham vọng mở rộng diện tích loại cây trồng này.
Thanh long đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn có giá cao, loại 1.000 - 2.000đ/kg là thanh long chất lượng thấp.
Trước thanh long, có lẽ chúng ta không thể đếm được bao nhiêu lần những nông dân trồng dưa hấu, khoai lang và nhiều nông sản khác đã phải rơi nước mắt nhìn công sức của mình trôi xuống sông xuống biển chỉ vì sự “đỏng đảnh” và bất ổn khó lường của thị trường Trung Quốc.
Đã bao lần từng đoàn xe chở dưa hấu của nông dân Việt xếp thành hàng dài cả cây số chờ xuất hàng sang Trung Quốc, để khi đến lượt thì dưa đã bị thối hỏng tự lúc nào. Đã có bao nhiêu cuộc giải cứu nông sản được tổ chức ở khắp mọi nơi chỉ để lau khô những giọt nước mắt cay đắng của những người nông dân lam lũ.
Ngay tại thời điểm này, không chỉ có người trồng thanh long, những nông dân trồng khoai tây ở Vĩnh Long, trồng tỏi ở Khánh Hòa cũng đang phải “ngậm đắng nuốt cay” vì hàng không thể xuất đi. Hiện, giá khoai lang tím Nhật ở Bình Tân (Vĩnh Long) chỉ còn khoảng 1.500 - 2.000 đồng/kg, cũng chưa bằng 1 cốc trà đá, bèo bọt chưa từng có. Nguyên nhân do đối tác mua hàng nước bạn cho hay đã có thông báo không cho khoai lang qua đường cửa khẩu do chưa ký kết danh mục các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhiều vườn để thanh long rụng đỏ gốc.
Nhưng cũng không thể chỉ biết trách người Trung Quốc, bởi rõ ràng chúng ta không đo hết được những con sóng của thị trường. Nói cách khác, dù phần lớn nông sản của ta phụ thuộc vào họ nhưng chúng ta chưa hiểu hết nhu cầu của họ.
Có vẻ như con đường đi của nông sản Việt đang phải trải qua quá nhiều tầng nấc, đi qua quá nhiều khâu mới tới được nơi cần đến, từ cánh “cò” ngay tại vườn đến từng thương lái, qua hệ thống chợ đầu mối. Trên mỗi cung đường vận chuyển, nông sản lại thêm một “gọng kìm” cước, phí ngày một “phi mã” bóp nghẹt, nên từ vườn đến tay người tiêu dùng đã là một khoảng cách về giá khá xa.
Không thể phủ nhận Trung Quốc vẫn là một thị trường vô cùng quan trọng của phần lớn nông sản Việt khi năm 2017, giá trị xuất khẩu gạo, cao su của Việt Nam sang Trung Quốc lần lượt đạt 1 và 1,5 tỷ USD. Cũng trong năm 2017, trong số 3,5 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam thì Trung Quốc đã chiếm tới 76% giá trị. Nhưng đã đến lúc chúng ta không thể trông đợi vào một con đường ngách nhỏ bé. Con đường ấy không đủ để chứa 60 – 70% sản lượng nông sản của Việt Nam, bởi nó luôn thiếu thông tin và tiềm ẩn những rủi ro khó đoán định.
Nếu có sự vào cuộc mạnh mẽ của doanh nghiệp, sự thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân, sự giám sát chặt chẽ về mặt quy hoạch sản xuất của ngành chức năng, chắc chắn sẽ có nhiều con đường mở ra thênh thang cho nông sản Việt, thay vì chỉ biết rơi nước mắt bất lực ngay trước cánh cổng của anh hàng xóm.