“Cổ phiếu họ Vin” níu đà giảm của VnIndex
Áp lực chốt lời tăng mạnh trong phiên giao dịch chiều 10.10 đã khiến TTCK Việt Nam liên tục ở trong trạng thái rung lắc. Nhóm cổ phiếu dệt may sau khi tăng mạnh trong phiên sáng đã bị chốt lời mạnh trong phiên chiều. Thậm chí, hai cổ phiếu TCM, TNG còn giảm sàn và ở trong tình trạng "trắng bên mua".
Chỉ có nỗ lực những phút cuối phiên của một số cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 là VJC, VRE, VHM, PNJ, MWG, DHG, FPT, GAS, HPG, SAB mới giúp VnIndex không giảm điểm quá sâu.
Cả hai chỉ số VnIndex và HNX-Index đều kết thúc phiên giao dịch ngày 10.10 trong sắc đỏ. VnIndex chốt phiên giảm 2,23 điểm (0,22%) xuống 993,96 điểm. Còn HNX-Index giảm 0,54 điểm (0,47%) xuống 113,76 điểm.
VnIndex chốt phiên giảm 2,23 điểm (0,22%) xuống 993,96 điểm. (Ảnh: I.T)
Trên sàn HOSE, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 6 liên tiếp, với giá trị đạt 359 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu VIC bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất, đạt 84 tỷ đồng. Tiếp theo, cổ phiếu HPG và NVL đều bị khối ngoại bán ròng trên 60 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, cổ phiếu giao dịch tích cực nhất là GAS khi tăng 1,42% lên 121.000 đồng. Cổ phiếu SAB cũng tăng 1,25%, lên 226.000 đồng. Trong khi đó hai “cổ phiếu họ Vin” là VHM tăng nhẹ 0,13%, lên 80.100 đồng, VRE tăng 1,78%, lên 40.000 đồng. Còn cổ phiếu VIC cùng với VCB đứng ở mức giá tham chiếu dù VIC đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng.
Còn giá trị giao dịch của các cổ phiếu VNM, BID, TCB, CTG và MSN đều giảm khá sâu. Trong đó cổ phiếu MSN giảm mạnh nhất 3,98%, xuống 84.500 đồng, BID giảm 2,08%, xuống 35.350 đồng.
Sau phiên giao dịch ngày 10.10, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vững mức 69.935,42 tỷ đồng (Ảnh minh họa)
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giữ vững mức 69.935,42 tỷ đồng. Trong khi đó, cổ phiếu HPG của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát phục hồi tốt sau hai phiên đầu tuần sụt giảm. Cụ thể, giá trị giao dịch của cổ phiếu HPG tăng 1,2% lên 41.500 đồng/cổ phiếu nhờ kết quả doanh số khả quan. Điều này đã giúp tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Trần Đình Long tăng thêm 152,62 tỷ đồng lên 15.796,47 tỷ đồng.
Cổ phiếu tăng 1,4% lên 145.000 đồng đã giúp tài sản của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 340,61 tỷ đồng, lên 25.793,19 tỷ đồng.
VinFast được bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD
Mới đây, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast đã được Euler Hermes – cơ quan Tín dụng xuất khẩu thuộc Chính phủ Đức – bảo lãnh khoản vay 950 triệu USD nhằm nhập khẩu máy móc thiết bị, phục vụ sản xuất. Giao dịch do Credit Suisse AG HSBC đồng thu xếp.
Gói tài chính trị giá 950 triệu USD, có lãi suất thấp, trong thời hạn lên tới 12 năm, nhằm hỗ trợ VinFast nhập khẩu máy móc, thiết bị từ các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ chính của CHLB Đức. Đây là giao dịch đầu tiên được Euler Hermes bảo lãnh cho một công ty tư nhân tại Việt Nam.
Lãnh đạo Credit Suisse – VinFast – HSBC tại lễ ký kết khoản vay tín dụng xuất khẩu tài trợ mua máy móc thiết bị cho nhà máy sản xuất ô tô VinFast. (Ảnh: Vingroup)
Với số lượng đối tác tham gia đông đảo (9 nhà cung cấp); quy mô vốn lớn (gần 1 tỷ USD); thời hạn vay dài (12 năm) và triển khai thu xếp trong thời gian rất ngắn – giao dịch đã trở thành một thương vụ kỷ lục, mang tính bước ngoặt, khẳng định uy tín và vai trò tiên phong của VinFast nói riêng và Tập đoàn Vingroup nói chung trên thị trường vốn quốc tế.
Giữ vai trò đồng thu xếp vốn và đồng giữ sổ đối với khoản tài trợ vốn vay trị giá 950 triệu USD trên là ngân hàng Credit Suisse và HSBC.
Trước đó, vào tháng 07.2018, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng đã hoàn thành việc phân phối khoản vay thương mại hợp vốn trị giá 400 triệu USD đầu tiên, do bốn ngân hàng nước ngoài đồng thu xếp và tài trợ. Giao dịch nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 10 ngân hàng châu Á và châu Âu, khẳng định uy tín và vị thế của VinFast cũng như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trên thị trường quốc tế.