TTCK Việt Nam “bốc hơi” 165.000 tỷ đồng sau một ngày
Đêm qua, các chỉ số chứng khoán Mỹ như đồng loạt giảm sâu từ 3% đến gần 5% so lo ngại việc lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng cao, cũng như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang lên nấc thang mới.
Ảnh hưởng từ làn sóng bán tháo từ chứng khoán Mỹ, nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đồng loạt bán tháo trong phiên giao dịch ngày 11.10. Tới những phút cuối phiên giao dịch, TTCK Việt Nam vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chuyển biến tích cực khi áp lực bán vẫn rất mạnh.
Đa số các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều đồng loạt lao dốc, trong đó, các mã như BID, CTG, GAS, HSG, MSN, PVD, SSI, STB, VPB… đều bị kéo xuống mức giá sàn.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11.10, VnIndex giảm hơn 48 điểm (4,84%) xuống 945,89 điểm. Còn HNX-Index giảm 6,59 điểm (-5,79%) xuống 107,17 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 11.10, VnIndex giảm hơn 48 điểm (4,84%) xuống 945,89 điểm. (Ảnh: I.T)
Vốn hóa trên sàn HOSE đã “bốc hơi” 153.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng giá trị vốn hóa của 10 cổ phiếu lớn nhất đã “bốc hơi” 90.400 tỷ đồng. Trong đó, 4 cổ phiếu có vốn hóa giảm trên 10.000 tỷ đồng là GAS: 16.100 tỷ, VCB: 14.400 tỷ đồng, VHM: 12.000 tỷ đồng và VIC: 11.500 tỷ đồng.
Toàn bộ cổ phiếu trong nhóm VN30 đều giảm điểm, có tới 10 mã giảm sàn là STB, HSG, CTG, VPB, SSI, GMD, MSN, REE, GAS và BMP. NVL là mã có mức giảm nhẹ nhất với 0,3% về 63.800 đồng.
3 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn là cổ phiếu VIC giảm 3,7% về 93.000 đồng, cổ phiếu VHM giảm 4,5% về 76.500 đồng, cổ phiếu VNM giảm 2,3% về 127.000 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, hầu hết các mã có thanh khoản đều giảm sàn như FLC, HAG, OGC, SCR, DIG, DXG, HBC, ASM, ITA, KBC, HHS, GTN..., trong đó FLC khớp 22,3 triệu đơn vị, HAG và OGC cùng khớp trên 9 triệu đơn vị...
Cổ phiếu VIC, VNM, MSN đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng. (Ảnh: I.T)
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi.
Tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chỉ trong 1 phiên giao dịch giảm tới 2.606,29 tỷ đồng. Trong khi tài sản của tỷ phú ông Trần Đình Long “bốc hơi” 572,34 tỷ đồng, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 768,87 tỷ đồng.
Tài sản bốc hơi 130 tỷ đồng, Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng lên tiếng
Việc cổ phiếu SSI giảm sàn, PAN giảm 5,95%, còn GIL và NSC cũng trải qua một phiên giao dịch thiếu tích cực đã khiến tài sản chứng khoán của ông Nguyễn Duy Hưng "bốc hơi" khoảng 130,84 tỷ đồng.
Tuy vây, chia sẻ trên trang cá nhân, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), đã có những phân tích, dự báo về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tới kinh tế Việt Nam sau khi vốn hóa trên TTCK Việt Nam bốc hơi 165.000 tỷ đồng và VnIndex giảm gần 50 điểm.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). (Ảnh: I.T)
Ông Nguyễn Duy Hưng cho biết, Hiệp hội Traders của thị trường mới nổi EMTA do ING chủ trì vừa họp ở Singapore và Hongkong bàn về triển vọng của thị trường mới nổi dưới các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình hình rút vốn và chính sách từ các Ngân hàng Trung ương trên thế giới. Về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mặc dù quan điểm chung là châu Á không được hưởng lợi. Tuy nhiên, có sự đồng thuận cao rằng một số nước hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này theo thứ tự là Việt Nam, Malaysia và Thái Lan.
"Đây là thông tin tích cực cho TTCK Việt Nam khi đa số thành viên nghĩ rằng sẽ không có giải pháp thoả hiệp cho chiến tranh thương mại Mỹ -Trung", ông Hưng phân tích.
Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng cũng đề cập đến diễn biến TTCK Việt Nam giảm sâu trong phiên sáng 11.10 và nhà đầu tư có tâm lý rất tiêu cực.
Việc dự đoán thị trường sắp tới ra sao, hoàn toàn là ý kiến cá nhân để tham khảo còn các dự đoán trên thị trường theo ông Hưng không thể tác động trực tiếp ảnh hưởng đến nền kinh tế hay sức khoẻ của thị trường chứng khoán.
"Giống như ta đi khám bệnh, nghe bác sỹ để phòng bệnh và sẽ không quá hoảng loạn để tìm cách chữa bệnh khi chẳng may mắc bệnh chứ bản thân bác sỹ không quyết định được tình trạng sức khoẻ hiện tại của ta”, ông Nguyễn Duy Hưng viết.
Bên cạnh đó, ông Hưng cũng cho rằng, điều đáng ngại nhất là gần một ngày sau khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm 3,15% kéo theo việc mất điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, giới phân tích vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.
“Câu hỏi đặt ra cho giới đầu tư, đây chỉ là phản ứng tâm lý bình thường hay có nguyên nhân ngầm nào mà chưa phát lộ”, ông Hưng nêu vấn đề.