Vượt nghịch cảnh
Mostafa, một thương binh Syria đang thực hiện một bài tập vật lý trị liệu ở Bệnh viện Ahmad Hamish, Damascus ngày 7.10.2018. Ảnh AP.
Theo AP, 4 năm trước, khi cuộc nội chiến ở Syria đang trong giai đoạn khốc liệt nhất, Hussein, 30 tuổi chiến đấu ở tỉnh Hama. Trong một trận chiến, đơn vị của anh trúng 2 thiết bị nổ chế từ bình gas được gọi là “pháo địa ngục”. 23 đồng đội của Hussein hi sinh, còn duy nhất anh sống sót với đôi chân đã bị thổi bay.
Kể từ đây, Hussein bắt đầu cuộc chiến mới với tử thần để giành giật sự sống cho mình khi bị nhiễm trùng nặng và nhiều biến chứng khác từ những vết thương nghiêm trọng. Giờ đây, anh đang học cách đi lại bằng chân giả với mong muốn sớm trở lại với cuộc sống đời thường là một chủ cửa hàng tạp hóa như trước đây.
“Những chấn thương đã cho tôi sức mạnh. Tôi nhận ra tôi thực sự mạnh mẽ như thế nào. Trước đó, tôi không hề biết mình có thể mạnh mẽ như vậy”, Hussein chia sẻ.
Hussein chỉ là một trong rất nhiều binh sĩ Syria đang phải đối mặt với thực tế phũ phàng khi bị mất đi một phần thân thể trên chiến trường.
Khi nhóm phóng viên AP đến thăm bệnh viện Ahmad Hamish dành riêng cho các thương bệnh binh ở Damascus, một nhóm thương binh đang nỗ lực thực hiện các bài tập trị liệu vật lý trong một phòng tập lớn. Nhiều người còn rất trẻ, chỉ ở độ tuổi 20.
Omar Beik, một thương binh 32 tuổi đến từ thành phố Aleppo cũng bị mất cả 2 chân trên chiến trường vào hồi tháng 4 chia sẻ: “Đây là điều khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi đã phải tự tay chôn chân mình. Dù một phần cơ thể không còn, nhưng tôi vẫn còn thứ quý giá nhất, đó là tinh thần”.
Beik có 4 con gái và anh đang ra sức tập luyện để sớm trở về nhà, “bắt đầu lại cuộc sống dù là từ con số không”.
Đất nước là mẹ
Nhóm binh sĩ Syria mất chân trên chiến trường ngồi trò chuyện với nhau tại phòng tập vật lý trị liệu ởBệnh viện Ahmad Hamish ngày 7.10.2018. Ảnh AP
Chính phủ Syria không cung cấp số liệu thống kê chính thức về số binh sĩ Syria đã tử trận hoặc bị thương trong chiến tranh, mặc dù số lượng thương vong được cho là lên tới hàng chục nghìn người.
Nhiều người đang được điều trị tại Bệnh viện Ahmad Hamish ở quận Damascus, nơi có trung tâm sản xuất chân tay giả để lắp cho các thương binh Syria cũng như cung cấp các khóa vật lý trị liệu miễn phí giúp họ sớm phuc hồi chức năng vận động.
Roa Taleb, một nhân viên xã hội của bệnh viện cho biết, không ít thương bệnh binh ban đầu bị trầm cảm vì đã mất đi một phần thân thể trên chiến trường. Nhưng bệnh viên luôn cố gắng củng cố tinh thần cho bệnh nhân, giúp họ vượt qua những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần.
Một trong những chủ đề phổ biến của thương bệnh binh Syria là niềm tự hào về quân đội và nhà lãnh đạo đất nước Bashar Assad. Quân đội Syria đã giành được nhiều chiến thắng ý nghĩa trong thời gian qua, đưa cuộchiến đẫm máu đã kéo dài trong suốt hơn 7 năm qua gần hơn đến kết thúc.
Hussein, giống như những thương binh khác khẳng định rằng anh hoàn toàn tình nguyện trở lại tiền tuyến ngay ngày mai nếu có thể.
"Đất nước tôi rất quan trọng đối với tôi. Một người không có đất nước thì không có gì cả. Đất nước là mẹ tôi, thậm chí còn hơn cả người sinh ra tôi”, Hussein chia sẻ.
Ước tính, khoảng 450.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, nổ ra vào tháng 3.2011. Ngoài ra, theo một báo cáo được công bố đầu năm nay của UNICEF, hơn 1,5 triệu người đang phải sống chung với những khuyết tật liên quan đến chiến tranh ở Syria, trong đó có 86.000 người bị mất tay chân. |