Với địa hình bằng phẳng, cánh đồng thuộc thôn Bản Long và Lộc Ngọc có diện tích hơn 5.000m2 - là nơi loại cò mỏ vàng di cư về tránh lạnh. Tuy nhiên hơn 5 năm qua, người dân địa phương sử dụng cò giả để làm bẫy, tận diệt cò mỗi khi tới mùa...
Cò dính bẫy chết trên đồng. Ảnh: PHÚ LỘC
Bà Thu (77 tuổi, thôn Bản Long) cho biết, tầm đầu tháng 9 đến tháng 11, người dân lại mang cò giả được làm bằng các tấm xốp trắng, cắt giống hình cò thật rồi gắn vào các thanh cây mang ra đặt ngoài đồng. Khi cò bay xuống đậu cạnh cò giả, nhựa thông được gắn ở các bẫy sẽ bám vào cánh khiến cò không thể bay.
Theo bà Thu, hiện số lượng cò bay về đã giảm và khó bẫy hơn trước. “Trước đây mỗi ngày có thể bắt được 70 - 80 con cò, nhưng bây giờ chỉ được 2 - 3 con, nhiều nhất cũng chưa đến 10 con” - bà Thu cho hay.
Qua quan sát của chúng tôi, nếu cò dính vào bẫy thì không thể thoát được, nhiều con chết ngay trên bờ ruộng gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến môi trường. Theo người dân, cò sau khi bắt về nếu còn sống sẽ được bỏ vào lồng nuôi nhốt, nếu ai mua sẽ làm thịt bán, mỗi con giá 20 - 30.000 đồng.
Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến cho biết, ban đầu người dân chỉ bắt cò mỏ vàng về để nuôi bắt ruồi, sau đó có người ăn thịt được nên việc bẫy cò có quy mô lớn hơn.
“Mặc dù tình trạng này diễn ra ở cánh đồng ngay trước UBND xã, tuy nhiên chính quyền cũng chỉ có biện pháp tuyên truyền người dân để bảo tồn cò chứ chưa có bất cứ chế tài xử lý nào khác. Ở các cuộc họp, xã thường tuyên truyền nhưng việc này vẫn diễn ra rầm rộ và với quy mô lớn” - ông Uy nói. |