Dân Việt

Đạo thánh chỉ "lãng mạn" bậc nhất lịch sử Á Đông

Phi Long 12/10/2018 19:33 GMT+7
Thánh chỉ tượng trưng cho quyền lực của các bậc đế vương ngày xưa, về lý mà nói đều là nghiêm túc phi thường. Nhưng cũng có không ít những bản thánh chỉ đặc biệt, ẩn chứa đằng sau cả một mối chân tình cảm động lòng người.

“Hán Thư” chép: Năm 72 TCN, Hán Tuyên Đế Lưu Tuân bất ngờ ban bố một đạo chiếu thư khiến nhiều người không sao hiểu nổi. Trong chiếu thư nói: “Nhớ trẫm thời cơ hàn có một thanh kiếm cũ. Hiện giờ trẫm rất nhớ nó, liệu chư vị ái khanh có thể giúp trẫm tìm nó trở về hay không?“.

Sau khi xem xong đạo thánh chỉ này, rất nhiều quan đại thần đều đầu óc mơ hồ, không rõ vì sao. Nhưng cũng có một vài đại thần giỏi đoán ý, qua lời nói và sắc mặt hoàng đế đã hiểu ra chuyện, nhớ lại thuở thiếu thời của Hán Tuyên Đế.

img

Tạo hình vua Hán Tuyên Đế Lưu Tuân trên màn ảnh. (Ảnh dẫn theo 2sao.vn).

Lưu Tuân thân là chắt trai của Hán Vũ Đế, chào đời được mấy tháng đã bị liên lụy bởi vụ án “Vu cổ chi họa” trong cung, còn trong tã lót đã trở thành tù phạm trong ngục, cha mẹ ông đều bị hại chết.

Về sau ông được bà ngoại nhận về nuôi. Sống ở dân gian trong suốt thời gian dài, Lưu Tuân hiểu được nỗi khổ của người dân, cũng đã bồi dưỡng thành tính cách chất phác và tư tưởng gần gũi với người dân áo vải bần cùng.

Mãi cho đến khi Hán Vũ Đế hạ chiếu đưa Lưu Tuân về nuôi trong dịch đình, địa vị hoàng thất của ông đến lúc này mới được phục hồi. Quan dịch đình Trương Hạ nguyên là bộ hạ cũ của phụ thân Lưu Tuân. Ông đối với Lưu Tuân giống như con ruột của mình vậy, không những bỏ tiền cung ứng cho Lưu Tuân đọc sách, mà sau còn cưới cho ông một người con gái trong vùng tên là Hứa Bình Quân làm vợ.

Hứa Bình Quân là người phụ nữ chuyên cần hiền đức. Trong những ngày tháng khó khăn nhất của Lưu Tuân, không những không hề chê bai chồng, trái lại còn cùng chồng nương tựa vào nhau mà sống, dùng tình cảm dịu dàng của mình khiến cho vị vương tử nghèo túng này cảm nhận được ấm áp của gia đình và tình cảm phu thê.

Năm 74 TCN, sau khi Hán Chiêu Đế qua đời, bởi không có con nối dõi, dưới tấu chương của Đại tư mã Hoắc Quang, Lưu Tuân 18 tuổi bất ngờ được lên ngôi hoàng đế. Vì để tranh thủ sự ủng hộ của Hoắc Quang, vị quyền thần nắm giữ triều chính khi đó, cùng trong năm đó ông đã cưới con gái của Hoắc Quang. 

Lưu Tuân biết rõ bản thân mình thế đơn sức bạc, Hoắc Quang bảo gì ông đều ngoan ngoãn nghe theo. Nhưng chỉ có một việc khiến cho Hoắc Quang lấy làm không vui, cũng khiến cho quần thần vò đầu bứt tóc, đó chính là lập hoàng hậu.

Lúc đó, quần thần vì để lấy lòng Hoắc Quang, đều ồ ạt thi nhau dâng sớ tiến cử con gái Hoắc Quang làm ứng viên tốt nhất cho ngôi vị hoàng hậu. Đối với việc này, Lưu Tuân cũng không chút động tâm, chỉ ừ cho qua chuyện. Ngày hôm sau, ông liền ban bố đạo thánh chỉ nói “muốn tìm lại thanh kiếm cũ thuở hàn vi“.

Các đại thần cơ trí mau chóng đoán ra thâm ý của đạo thánh chỉ này. Ngay đến cả một thanh kiếm cũ được dùng thuở hàn vi còn nhớ mãi không quên, tất nhiên hoàng đế cũng sẽ không vứt bỏ người phụ nữ đã cùng chung hoạn nạn với mình.

Các quan hiểu ra, nhất loạt chuyển hướng, đều xin lập Hứa Bình Quân làm hoàng hậu. Lưu Tuân cũng nương theo đó mà “ưng thuận” ý kiến của bá quan, lập Hứa Bình Quân làm hoàng hậu. Từ đó về sau, “Kiếm cũ tình thâm” đã trở thành một điển cố lãng mạn mà ai ai cũng biết.

img

Điển cổ “Kiếm cũ tình thâm” bắt đầu từ đây. Ảnh dẫn theo yule.sohu.com.

Dù cho có thể mất đi đế vị vẫn muốn dành cho người phụ nữ mà mình yêu thương một danh phận tôn quý bậc nhất đáng nên phải có. Đạo thánh chỉ này của Lưu Tuân chính là thánh chỉ lãng mạn nhất trong lịch sử Á Đông. Ẩn giấu trong mỗi từng hàng chữ chính là lời hứa hẹn tình yêu son sắt của bậc vương tử dành cho một cô gái nghèo.

Xưa nay đế vương có tam cung, lục viện, hàng nghìn mỹ nữ phi tần là chuyện bình thường, không ai bàn đến. Nhưng chung tình như Hán Tuyên Đế Lưu Tuân thì đúng là hiếm gặp. Cũng chính sự thủy chung ấy, sự thuần thiện ấy đã dưỡng thành nên một bậc minh quân.

Sử sách chép lại rằng, dưới thời Hán Tuyên Đế trị vì, nhà Hán duy trì được sự thịnh trị, mở mang cả về kinh tế cũng như quân sự. Vì xuất thân từ nhỏ chịu cảnh nghèo khó, Tuyên Đế hiểu rõ sự cơ cực của dân chúng. Ông cho giảm thuế, bớt nhẹ hình phạt, mở rộng bộ máy quan lại, tuyển chọn người tài khiến cho chính sự trong nước ổn thỏa, dân chúng trong thiên hạ đều được cảm ân đức của thiên tử vậy.