Đại diện một DN ở Bà Rịa – Vũng Tàu, chi nhánh tại TP.Hồ Chí Minh chia sẻ, DN đang sản xuất, kinh doanh thịt mát, nhưng trên sản phẩm không thể công bố “thịt mát”, nên DN gặp rất nhiều khó khăn.
Ra chợ mua thịt nóng/ấm vẫn là thói quen của nhiều người. Ảnh: I.T
Theo trình bày của DN này, DN nộp hồ sơ và đã được cơ quan chức năng chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện giết mổ, ATTP và DN được phép dán nhãn “thịt mát” lên sản phẩm. Đồng thời, DN phải tự chịu trách nhiệm trước thông tin mà DN đã công bố. Tuy nhiên, Ban ATTP thành phố chỉ cấp giấy đủ điều kiện sơ chế chế biến thực phẩm và kinh doanh thịt.
Ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Nafiqad chia sẻ: Thịt mát thực hiện theo nguyên tắc “nhanh, lạnh, sạch” được áp dụng trong cả chuỗi từ giết mổ nhanh nhất rồi đưa vào làm lạnh ngay, đến tất cả các bề mặt tiếp xúc đều phải làm vệ sinh sạch sẽ để tránh ô nhiễm vi sinh. Thực tế, sản phẩm thịt mát vẫn còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam, nhưng tại nhiều nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, thịt mát đã được sử dụng phổ biến.
Liên quan đến việc gắn nhãn và đưa thịt mát tới tay người tiêu dùng, ông Tiệp cho hay: “Khi đã có tiêu chuẩn thịt mát, các DN, cửa hàng, siêu thị muốn gắn nhãn thịt mát phải đáp ứng điều kiện của tiêu chuẩn do Bộ NNPTNT xây dựng và Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành”.
Việc Việt Nam đưa tiêu chuẩn thịt mát ngang bằng các tiêu chuẩn của các nước phát triển là xu hướng tất yếu, bởi thịt mát đã được thế giới thừa nhận sử dụng, đảm bảo an toàn và chất lượng. Hơn nữa, thịt mát khi đã được chế biến đúng quy trình, đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn thì Việt Nam cũng có cơ hội xuất khẩu thịt mát sang thị trường các nước.