Dân Việt

Nông nghiệp 2011: Nhiều kỷ lục về sản xuất và xuất khẩu

26/12/2011 15:29 GMT+7
(Dân Việt) - Trong 2 ngày 24 và 25.12, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị tổng kết toàn ngành năm 2011 và bàn kế hoạch cho năm 2012.

Theo báo cáo, đầu năm, ngành nông nghiệp chỉ dám đặt mục tiêu tăng thêm 1 triệu tấn lúa, song tính đến hết năm, tổng sản lượng lúa cả nước đạt tới 42,3 triệu tấn, tức tăng hơn 2,3 triệu tấn (tương đương 1,15 triệu tấn gạo) so với năm 2010. Riêng lĩnh vực sản xuất lúa gạo đã đem lại hơn 12.000 tỷ đồng (tính theo giá trị xuất khẩu).

Xuất khẩu gạo đã đạt số lượng cao nhất trong 22 năm qua với gần 7,2 triệu tấn, thu về 3,7 tỷ USD. Ngành chăn nuôi trong năm tuy giá cả bấp bênh, nhưng sản lượng thịt, trứng, sữa đều tăng so với năm trước. Tổng sản lượng thịt hơi đạt 4,31 triệu tấn (3,25 triệu tấn thịt lợn, 687.000 tấn thịt gà), tăng 7,7% so với năm 2010.

Ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết: “Chỉ trong 1 năm, kim ngạch xuất khẩu tăng tới hơn 5 tỷ USD là một sự đột biến lớn. Cụ thể, ước cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt gần 25 tỷ USD, tức tăng 29% so với năm 2010. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước". Hiện đã có tới 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, là thủy sản, đồ gỗ, gạo và cao su.

Tại hội nghị, Bộ NNPTNT cũng đã công bố dự thảo Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng giá trị gia tăng và phát triển bền vững". Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết: "Sở dĩ toàn ngành nông nghiệp phải triển khai tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất, bởi mấy năm nay tuy số lượng có tăng, nhưng chất lượng tăng chưa đồng đều".

Mặc dù, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 5,2%, nhưng tỷ lệ tăng trưởng GDP của ngành nông nghiệp năm nay chỉ đạt 2,3%. “Chúng ta làm ra nhiều, nhưng không thu được nhiều tiền. Tăng năng suất, phải đi đôi với chất lượng, giá trị và cần phải tập trung ở khâu có giá trị gia tăng cao với mục đích cuối cùng là tăng thu nhập cho người nông dân" - ông Phát phân tích.

Cũng về vấn đề này, GS Nguyễn Văn Bộ- Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam băn khoăn: “Chúng ta có cần thiết phải đặt mục tiêu chạy theo xuất khẩu 7- 8 triệu tấn gạo mỗi năm? Bởi, để sản xuất ra được lượng lương thực như hiện nay, trung bình mỗi năm chúng ta sử dụng đến 7 triệu tấn phân bón, tức mất 4 tỷ USD, cùng 60.000-70.000 tấn thuốc BTVT với giá trị 2 tỷ USD nữa, mà 2 loại vật tư này chủ yếu phải nhập khẩu, chưa kể nguồn nước, thủy lợi”.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý: “Trong năm 2012, Bộ NNPTNT cần xác định các sản phẩm chủ lực, rà soát quy hoạch sản xuất để tập trung đầu tư cho hiệu quả. Bộ cũng cần quan tâm hơn nữa tới hiệu quả của việc đưa khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp”.