Dân Việt

Đối đầu Mỹ - Trung: Bên bờ vực Chiến tranh Lạnh mới?

Duy Anh 14/10/2018 10:09 GMT+7
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, từ kinh tế tới chính trị, quân sự, khiến giới chuyên gia lo ngại về một khởi đầu mới của Chiến tranh Lạnh giữa hai nước.

img

Mỹ - Trung đang đứng bờ vực Chiến tranh Lạnh mới?

Trong nội bộ các quan chức tại Bắc Kinh, những diễn biến thực tế cùng với nỗi sợ hãi đang ngày càng thành hình: họ lo ngại Tổng thống Donald Trump nghiêm túc với quyết tâm điều chỉnh lại quan hệ song phương giữa Mỹ và các đối tác cũng như đối thủ, vốn ổn định trong vài thập kỷ qua.

Kể từ tháng 6, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc nhanh chóng xấu đi trên nhiều lĩnh vực quan trọng hàng đầu, từ thương mại tới quân sự và chính trị. Khi những báo cáo xuất hiện, cho thấy một sáng kiến sáng kiến chính sách toàn diện chống Trung Quốc không còn chỉ là tin đồn tại Washington, Bắc Kinh thực sự bị sốc. 

Đây có thể chưa phải là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, nhưng quan hệ giữa hai nước đã rơi vào thời kỳ giá lạnh chưa từng thấy trong quá khứ. 

Tháng 11 tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình nhiều khả năng sẽ gặp Tổng thống Trump tại hội nghị cấp cao G20 ở Buenos Aires nhằm thương lượng tìm ra giải pháp giảm căng thẳng. Tuy nhiên, giới chuyên gia từ cả hai phía hoài nghi thời điểm đó có thể đã quá muộn để Mỹ và Trung Quốc rút lại những hành động gây hấn.

"Tại Mỹ, quan điểm về khái niệm can dự đang thay đổi ở mức tôi chưa từng chứng kiến trong đời. Chúng ta không còn nhiều cơ hội để vớt vát lại niềm tin vào những mối quan hệ mang tính hợp tác", Orville Schell, giám đốc Trung tâm Asia Society nghiên cứu về quan hệ Mỹ - Trung, nhận xét.

Mối đe dọa từ Trung Quốc

Chỉ 12 tháng trước, không nhiều người dám hình dung kịch bản quan hệ song phương, mối quan hệ ngoại giao quan trọng nhất thế giới, có thể lao dốc tồi tệ như hiện tại. 

Trong thập niên 1990 và 2000, những khúc mắc lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Trung thường chỉ xoay quanh 3 vấn đề: Đài Loan, Tây Tạng và cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989. Dẫu những vấn đề gai góc này nay vẫn còn đó, qua thời gian, chúng đã dần mờ nhạt trong tổng thể bức tranh quan hệ song phương.

Nay, vấn đề Đài Loan một lần nữa nóng lên trong quan hệ Mỹ - Trung, trong khi hai vấn còn lại gần như bị gạt đi, và thay thế bởi những nhức nhối mới: quan hệ thương mại, và quan trọng hơn hết thảy, quan điểm của Tổng thống Trump về Trung Quốc.

Trong bài phát biểu cuối tuần trước, Phó tổng thống Mike Pence sử dụng ngôn từ cứng rắn công kích toàn diện Bắc Kinh, từ vấn đề nhân quyền tới cáo buộc can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ.

"Như chúng tôi nói, Bắc Kinh có cách tiếp cận toàn diện, sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế, quân sự và tuyên truyền, nhằm gia tăng ảnh hưởng và tối đa hóa lợi ích của họ tại Mỹ", Phó tổng thống Mike Pence cáo buộc.

img

Phó tổng thống Mỹ Mike Pence công kích Trung Quốc hôm 4/10.  

Nhiều nhà quan sát so sánh bài phát biểu của Phó tổng thống Pence với diễn văn "Bức màn sắt" nổi tiếng của cố thủ tướng Anh Winston Churchill năm 1946, dự đoán sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh trong thế kỷ 20. 

Trước công luận, cả Bắc Kinh và Washington đều cố gạt đi những đánh giá về Chiến tranh Lạnh giữa hai bên. Các quan chức Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh sự gắn bó kinh tế song phương bất chấp hệ quả của chiến tranh thương mại đang ngày càng lộ rõ.

Vài ngày sau bài phát biểu của ông Pence, Giám đốc FBI Christopher Wray củng cố thêm lập trường chống Bắc Kinh khi tuyên bố Trung Quốc là mối nguy hiểm lớn hơn nhiều so với Nga.

"Trên nhiều khía cạnh, Trung Quốc tạo ra mối đe dọa rộng hơn, phức tạp hơn, lâu dài hơn mà chúng ta phải đối mặt", ông Wray phát biểu trước Thượng viện Mỹ hôm 10/10.

Tại Trung Nam Hải, các quan chức Trung Quốc từ lâu tự tin họ nắm được "bài" của ông Trump, từ đó tiến hành chiến dịch dài hơi để chinh phục nhà lãnh đạo nước Mỹ. Chính vì vậy, sự đảo chiều chóng vánh trong quan hệ với Washington là cú sốc với Bắc Kinh.

Tháng 8/2017, Thời báo Hoàn cầu tung ra bài xã luận gọi Tổng thống Trump chỉ là "con hổ giấy". "(Nhưng) quan điểm ngày càng phổ biến tại Trung Quốc hiện nay là chính quyền Trump muốn kiềm tỏa và làm thất bại mục tiêu hiện đại hóa đất nước này", Bonnie Glaser, giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Hoa của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, nói với CNN.

Sẵn sàng làm đổ vỡ quan hệ Mỹ - Trung

Tại Mỹ, nơi chính trị ngày càng mang tính đảng phái, Bắc Kinh nay bỗng chốc trở thành "cột thu lôi" hứng chịu "sấm sét" cuồng nộ của công luận, đoàn kết hai phe Dân chủ - Cộng hòa, một chiến tích ấn tượng của chính quyền Tổng thống Trump.

img

Quan hệ Mỹ - Trung đã đảo chiều nhanh chóng so với thời điểm Tổng thống Trump thăm Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Nikkei.

Xuyên suốt nhiều phe phái chính trị, quan chức chính phủ, chuyên gia hàn lâm hay lãnh đạo doanh nghiệp, tất cả đều thống nhất về nhu cầu cấp thiết xốc lại quan hệ Mỹ - Trung. Công chúng Mỹ nhìn nhận mối quan hệ song phương đã khiến nước Mỹ chịu thiệt hại, trong khi để Trung Quốc hưởng lợi trong một thời gian dài, quan điểm được Tổng thống Trump thường xuyên lặp đi lặp lại.

"Họ sống quá khỏe trong thời gian quá dài, và thú thực, tôi đoán họ nghĩ người Mỹ là lũ ngốc. Nhưng người Mỹ không ngu ngốc", Tổng thống Trump phát biểu trong chương trình "Fox and Friends" hôm 11/10.

Chuyên gia Schell của Asia Society cho rằng nước Mỹ đang ở thời điểm chuyển giao cực kỳ quan trọng. "Khi nhìn lại, chúng ta sẽ thấy chúng ta có thể lùi khỏi bờ vực hoặc bước thẳng vào cuộc xung đột giữa các nền văn minh".

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc ủng hộ nhiệt liệt bài phát biểu mới đây của Phó tổng thống Pence, họ coi đây là bài phát biểu đáng lý nên được đưa ra từ lâu. Điểm duy nhất trong bài phát biểu của ông Pence không nhận được hưởng ứng là cáo buộc Trung Quốc tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới tại Mỹ.

Giới phân tích nhìn nhận quyết của Nhà Trắng miêu tả các hoạt động của Trung Quốc, như mua quảng cáo trên báo chí Mỹ, là chiến thuật can thiệp bầu cử sẽ chỉ làm yếu đi luận điểm của Washington về các mối đe dọa mà Bắc Kinh tạo ra.

Tuy nhiên, sự đồng thuận bất thường từ cả hai phe chính trị tại Mỹ về vấn đề Trung Quốc cho thấy ngay cả những người hoài nghi về năng lực của ông Trump, cả trong lẫn ngoài chính phủ Mỹ, cũng đều công nhận công lao của Tổng thống Trump, với chính sách đối ngoại khó lường và độc đáo, khiến Bắc Kinh chao đảo. 

"Chính quyền Trump có một chút giống với cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, người từng có phát biểu nổi tiếng: 'Thiên hạ đại loạn, hình thế đại hảo'", Schell nhận định.

Câu nói của Mao Trạch Đông với hàm ý khi cục diện đại loạn, người ta có thể dễ dàng xây dựng trên đó trật tự xã hội mới. Tương tự, Tổng thống Trump không ngại làm đổ vỡ quan hệ hay nguy cơ quan hệ song phương đổ vỡ. "Đó là điều không tổng thống nào sẵn sàng làm trước đây", ông Schell nói.

Bắc Kinh phải xuống thang

Mới đây, một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump cho biết những đòn trừng phạt thuế quan nhắm vào hàng hóa Trung Quốc đã khiến chính quyền Bắc Kinh, dẫu chuẩn bị cực kỳ chu đáo, gặp khó trong việc phản ứng thích đáng và không thể lập tức đưa ra các biện pháp đáp trả hiệu quả.

Quan chức này củng cố thêm đánh giá của Tổng thống Trump trước công luận, rằng chiến lược của Mỹ đang có hiệu quả và Trung Quốc cuối cùng sẽ phải hạ mình trước những áp lực kinh tế liên tiếp.

Đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Bắc Kinh đã xuống thang, sau thời gian đầu cả chính phủ lẫn truyền thông Trung Quốc cứng giọng với những phát biểu chỉ trích Mỹ gay gắt. Đại sứ Trung Quốc tại Washington mới đây trả lời một cuộc phỏng vấn của truyền thông cho biết nước này sẵn sàng thỏa hiệp nếu Mỹ thể hiện "sự chân thành".

Thực tế, "sự chân thành" đã trở thành "mật mã" cho thấy dấu hiệu Bắc Kinh đang lạc lối trong nỗ lực nắm bắt ý định thực sự của Tổng thống Trump. Một trong những quan điểm thường được ghi nhận từ giới chức Trung Quốc về Tổng thống Trump đó là "ông ấy thực sự muốn gì?".

Với nhiều quan chức Trung Quốc, ông Trump hóa ra lại là một chính trị gia hoàn toàn trái ngược với hình ảnh nhà lãnh đạo ngây thơ, dễ kiểm soát mà trước kia người ta gắn cho ông.

Phía sau hậu trường, một số quan chức Trung Quốc, dù khăng khăng quan hệ song phương mang lại "lợi ích chung", tỏ ra không hài lòng với những phát biểu lạc quan thái quá của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như lập trường cứng rắn quá mức về những vấn đề như thương mại hay cách hành xử hung hăng trên Biển Đông. Họ cho rằng chính những vấn đề này đã thúc đẩy Mỹ phản đòn quyết liệt nhắm vào Trung Quốc.

Nhà phân tích Bonnie Glaser cho biết áp lực nội bộ đang gia tăng nhắm vào ông Tập Cận Bình, đặc biệt về cách xử lý vấn đề kinh tế và quan hệ song phương với Mỹ. "Bất cứ điều gì đe dọa vị thế vững chãi của ông Tập và sự ổn định của chính quyền Trung Quốc sẽ là mục tiêu xử lý hàng đầu của Bắc Kinh".

Trước công luận, nhiều quan chức Trung Quốc vẫn phát biểu cứng rắn về thương mại, khẳng định Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ trước sức ép từ Tổng thống Trump.

"Tổng thống Trump là một doanh nhân khó đối phó, ông ấy gia tăng áp lực với Trung Quốc để buộc chúng tôi phải nhượng bộ trong đàm phán. Tôi nghĩ chiến thuật đó sẽ không hiệu quả với Trung Quốc", Fang Xinghai, phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc, tuyên bố hồi tháng 9.

Tuy nhiên, một số quan chức Trung Quốc chia sẻ lo ngại nếu cả hai nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn đều không nhượng bộ, các cuộc xung đột trong tương lai giữa Washington và Bắc Kinh sẽ tất yếu thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc từ những thành phần cấp tiến trong chính phủ, quân đội hay công chúng Trung Quốc.

Tháng 10 đã tới, khi cái lạnh mùa đông đã ghé thăm Washington và Bắc Kinh, mối quan hệ Mỹ - Trung quan trọng nhất thế giới ngày càng đứng trước nguy cơ rơi vào đợt băng giá chưa từng có, và có thể cả một cuộc Chiến tranh Lạnh của thế kỷ 21.