Dân Việt

Mạo hiểm, liều mạng nghề bắt tử thần, thu tiền triệu mỗi ngày

Lộc Hà 14/10/2018 19:10 GMT+7
Những người thợ mặc bộ áo quần bảo hộ bịt kín cơ thể xông vào lấy nguyên tổ ong vò vẽ. Hàng ngàn con ong đeo bám khắp người nếu chậm trễ bị đốt trọng thương - đây là loại ong gây nguy hiểm đến tính mạng nên được người dân ong “tử thần”.

Nghề bắt tử thần

Như lời hẹn trước, đúng 4 giờ sáng, tôi có mặt ở xã Tiên Hiệp (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) để theo chân những người thợ săn ong vò vẽ. Địa điểm để tập hợp mọi người được ấn định ở ngã ba Tiên Hiệp, trong đoàn ngoài tôi còn có hai “nhân vật chính” là anh Nguyễn Tấn (30 tuổi) và Võ Tấn Ngôn (21 tuổi) - họ là những thợ bắt ong chuyên nghiệp.

img

Một tổ ong vò vẽ đóng trên cành cây

Khi trời đang chìm trong bóng tối, cả ba người lên xe máy bắt đầu một ngày bắt ong. Từ đây chúng tôi vượt quãng đường đến xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My khoảng 40 km. Đến khu vực rừng núi bao quanh, kim đồng hồ đã chỉ sang 5 giờ.

Ba người tấp xe máy vào lề đường, anh Tấn tay cầm rựa, còn anh Ngôn cõng một ba lô trên vai. Từ đây bắt đầu cuốc bộ vào cánh rừng trồng keo xen lẫn với rừng nghèo. Anh Tấn chọn địa điểm khoảng đất trống và phóng tầm mắt ra xa quan sát.

“Thời điểm này thích hợp cho việc nhìn ong bay về tổ, còn đến trưa chiều ánh nắng chiếu xuống rất khó nhìn chúng. Nếu có phát hiện thì được một đoạn ngắn sẽ không thấy con ong nữa”, anh Tấn lý giải việc đi sớm để hành nghề và cho hay loài ong này có đặc điểm, chúng đang bay trên cao khi đến gần tổ, xếp đôi cánh và rớt xuống rất nhanh. Khi xác định được vị trí thợ bắt ong đến tìm, nếu có tổ thì quanh khu vực này chúng bay vào, bay ra rất nhiều.

Đứng từ đây, đôi mắt của hai thợ nhìn những con ong vò vẽ lấy nước, săn mồi, phân gia súc, vỏ cây khô… đưa về tổ. Bằng kinh nghiệm của mình, trong nhiều con bị phát hiện, anh Tấn sẽ chọn con có thân to và dài để theo dõi. “Đây là một khâu rất quan trọng để xác định tổ ong to hay nhỏ. Ong càng lớn thì tổ cũng nó sẽ lớn, do vậy mình sẽ loại bỏ những con nhỏ mà tập trung vào theo dõi những con ong lớn”, anh Tấn chia sẻ.

Sau 10 phút quan sát, anh Tấn hô lớn "tổ ong đây rồi". Cả đoàn bắt đầu tiến đến, y như rằng quanh một bụi cây có một tổ ong vò vẽ to hơn mũ bảo hiểm đóng phía trong. Xác định vị trí của tổ, anh Tấn mở ba lô lấy bộ áo quần chuyên dụng khoác vào người.

img

Anh Tấn mặc áo quần chuyên dụng xông vào lấy tổ ong và bị hàng chục con ong bu quanh người

Chiếc áo và quần dày khoảng 5cm, đôi chân được mang ủng. Đôi tay đeo đến hai lớp găng cao su phía trong, tiếp đến một đôi tất len và lớp ngoài cùng đôi tất tự chế dày khoảng 5 cm. Trên mặt, anh Tấn đeo mặt nạ, đôi mắt được bảo vệ bằng kính.

Cơ thể được bảo hộ bị xong, tay cầm cây rựa anh Tấn tiến về tổ ong. Do tổ nằm giữa bụi cây nên để có lối vào thì phải phát dọn. Khi việc này xong, thời gian hành động mất khoảng 10 giây để lấy nguyên tổ ong.

Cầm thành quả trên tay, anh Tấn vừa chạy thì khắp cơ thể có đến hàng chục con ong bám vào, do có áo quần chuyên dụng bảo vệ nên tránh được ong đốt. “Trong lúc lấy tổ ong phải thực hiện nhanh chóng, nếu chậm trễ không thoát khỏi những mũi đốt đau đớn. Bởi chúng sẽ tìm những nơi vải mỏng tập trung chích vào”, anh Tấn chia sẻ kinh nghiệm về 10 năm chuyên bắt ong vò vẽ của mình.

“Nghề bắt ong trước đây dùng lửa để đốt cháy lấy tổ nhưng cách làm này gây cháy rừng. Để khắc phục việc này, chúng tôi tự thiết kế bộ áo quần đặc biệt để phòng tránh. Cách bắt này không giết hại một con ong nào nên sau khi mình bắt chúng sẽ tiếp tục làm tổ”, anh Tấn nói.

img

Một tổ ong vừa được lấy

Lấy nguyên tổ ong, anh Tấn cùng đồng nghiệp cho đồ nghề vào ba lô tiếp tục di chuyển theo dõi ong bay để tìm tổ. Họ đi từ cánh rừng này đến cánh rừng khác tìm kiếm vận may, khi phát hiện được tổ ong thì công việc bắt ong được lặp lại như vậy.  

Thu tiền triệu mỗi ngày

Trung bình mỗi ngày, anh Tấn và anh Ngôn lấy được từ 5 đến 10 tổ ong. Công việc kết thúc lúc 15 giờ và trở về nhà. Sau đó họ ăn vội miếng kiếm rồi cùng các thành viên trong gia đình tiếp tục đưa tổ ong ra để tách lấy nhộng (ong non) đem bán.

Một tổ ong vò vẽ có nhiều tầng, trong đó tầng con non được anh Tấn để riêng, tầng con già để riêng. Để lấy được nhộng ong dính chặt trong tổ cần đến những đôi tay xé lớp bảo vệ ở phía ngoài, sau đó đưa lên cao và giũ xuống. Tuy nhiên, có những con mắc chặt phía trong nên phải dùng đến nhíp để gắp ra.

Mất khoảng 1 giờ, gần chục tổ ong được tách xong, từng con ong non to bằng đầu đũa với đủ màu sắc, có màu trắng, con màu hồng cho vào rổ. Chúng béo núc ních, phía trong chứa nhiều sữa màu trắng. Ong được đưa ra chậu nước rửa sạch và để khô ráo.

img

Tổ ong đưa về nhà phân loại

“Hôm nay bắt được hơn 5kg nhộng và được thương lái mua 250.000 đồng một kg. Số thực phẩm này sẽ bán lại cho các nhà hàng, quán nhậu làm món ăn. Chúng được chế biến các món xào, chiên, nấu cháo…”, anh Ngôn chia sẻ và cho biết loại này rất nhiều người ưa chuộng nên khai thác về không sợ ế ẩm. Còn những con ong non có cánh (ong chưa trưởng thành) thì bán để dùng ngâm rượu uống.

Theo anh Ngôn nghề bắt ong vò vẽ đem lại nguồn thu nhập khá so với nghề làm nông. Tuy nhiên nó cũng rất nguy hiểm, quá trình đi trong rừng gặp rắn, rết cắn…

“Nhiều người hành nghề bị ong đốt phải đến bệnh viện cấp cứu, sau đó thì bỏ nghề. Cách đây 3 năm, anh rể của tôi đi bắt ong, trong lúc lấy tổ xong chạy ra mắc vào cành cây rách áo. Trong thời gian ngắn bị đốt hàng chục mũi vào người nhưng được cấp cứu nhanh chóng nên may mắn thoát chết”, anh Tấn kể.

img

Nhộng ong bán với giá 250.000 một kg

Ong vò vẽ là loại ong khá phổ biến ở nước ta, chúng làm tổ khắp nơi. Độc tính của loài ong này khá cao; bị đốt vài chục nốt vào người thì rất dễ tử vong nếu không được cứu chữa tích cực, đúng cách và triệt để.

Còn đốt 1 đến 2 nốt có thể gây sốt, đau buốt, sưng tại chỗ và lan tỏa, dẫn đến tổn thương gan và suy gan, tổn thương thận và suy thận, tiêu cơ vân, tan máu. Ở nước ta nhiều người bị loại ong này đốt không cấp cứu kịp thời đã bị tử vong.