Năm 1989, ông Phương khăn gói từ Thanh Hóa vào Tây Nguyên lập nghiệp, sau khi lang thang phiêu bạt khắp nơi làm đủ nghề đi đủ đường. Ông quyết định chọn Kon Rẫy làm nơi định cư lâu dài. Theo đó, ông gây dựng nên một trang trại nông nghiệp theo những kinh nghiệm mà mình học được.
Vườn tiêu 3ha của ông Phương vẫn xanh tốt bên bờ sông màu mỡ
Nhận thấy vùng đất mình khởi nghiệp là vùng đất khá mỡ màu bên sông Đăk Pne, cùng với nguồn nước thiên nhiên dồi dào chẳng thể cạn nên ông Phương khá vững tâm vào quyết định của mình. Mạnh dạn vay 5 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với số tiền vay mượn thêm anh em, bà con để làm vốn khai mở vùng đất mới...
Mỗi mùa vụ chăm sóc, thu hái tiêu, cà phê chính thường có đến 20 nhân công, tuy nhiên bất cứ lúc nào ông Phương vẫn cầm kéo ra vườn.
Tâm sự với chúng tôi, ông Phương kể lại: “Ngày xưa ở quê Thanh Hóa đất chật người đông chẳng làm được cái gì, chứ không giống như trong này đất đai cứ “cò bay thẳng cánh”. Hồi đó chọn được vùng đất này cũng may mắn lắm, đất đai màu mỡ, nguồn nước lại dồi dào chẳng lo điều chi chỉ sợ có làm nổi không thôi. Hồi đó, cũng sợ nên chỉ dám đầu tư ít từ 1-2 ha cà phê, hồ tiêu thôi còn giờ thì 12 ha rồi. Nghĩ lại hồi đó cũng liều…”.
Ông Phương kết hợp giữa nhiều phương pháp ghép cành khác nhau để tạo năng suất cho cây cà phê của mình.
Nắm bắt được xu hướng phát triển ở Tây Nguyên là các loại cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su, ông nhanh chóng tiến hành đầu tư 1 ha cà phê và 1 sào tiêu. Ông khá cẩn thận trong mọi bước từ việc lựa chọn cây giống, phân bón, kỹ thuật chăm sóc. Không bỏ qua bất kỳ lớp tập huấn khuyến nông nào của xã, huyện, tỉnh tổ chức, đi đến đâu thấy các mô hình ngoài thực tế ông đều nán lại học hỏi…
Mỗi năm bình quân 4ha cà phê của ông Phương thu về gần 100 tấn tươi
Từ 1 ha cà phê đến nay ông đã có 4 ha, từ 1 sào tiêu ông mở rộng lên đến 3 ha. Đó là chưa kể đến 4 ha cao su cùng 1 ha ruộng lúa nước và ao cá để duy trì bữa ăn hàng ngày cho cả gia đình.
Những cây cà phê ra quả từng chùm "đẫy đà" trên vùng đất màu mỡ của gia đình ông Phương.
Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cà phê, hồ tiêu, ông Phương có vẻ khá tâm đắc với nền nông nghiệp công nghệ cao thay vì những bước làm truyền thống.
“Làm nông nghiệp bền vững cần phải sử dụng các thiết bị hiện đại từ lúc gieo cấy, chăm sóc đến khi thu hoạch, vừa giảm công cán lại đạt năng suất cao. Hiện tại toàn bộ diện tích cà phê, hồ tiêu tôi đều lắp đặt các hệ thống tưới nước tiết kiệm như hệ thống tưới nước nhỏ giọt, tưới béc. Còn phân bón tôi tiến hành ủ phân vi sinh thay cho phân hóa học để giữ được độ bền của đất, tránh sâu bệnh lây nhiễm. Thật ra, toàn bộ kinh nghiệm này cũng đúc kết từ những bài học thực tế hết thôi, nói như các bác nông dân là bỏ tiền ngu cũng nhiều rồi…”.
Ông Phương bên tấm Bằng khen Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương được Thủ tướng chính phủ trao tặng năm 2012.
Việc sử dụng các thiết bị hiện đại không phải là ông Phương phó mặc luôn công việc cho những thiết bị hiện đại này mà ông tiến hành lồng ghép giữa sức người và sức máy. Chính vì quá trình lồng ghép này đã mang lại hiệu quả khá cao, riêng năng suất cà phê bình quân trên 20 tấn tươi/ ha, tiêu đạt 4 kg/trụ. Dù tiêu của các hộ dân khác cũng chết lên, chết xuống tuy nhiên vườn tiêu của gia đình ông Phương vẫn xanh tốt.
Với những kinh nghiệm của mình ông Phương đã mở ra một trang trại trồng cà phê, hồ tiêu bền vững mà ít ai có thể làm được.
Với một tư duy của nền nông nghiệp công nghệ cao ông Phương đã không ít lần được các cấp Hội Nông dân Việt Nam trao tặng Bằng khen. Cụ thể, từ năm 2007-2018 ông Phương liên tục được công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương. Năm 2012, ông Phương vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen Nông dân sản xuất giỏi cấp Trung ương.