Tiết kiệm thời gian thực hiện
Trước năm 2005, ngành TN&MT và ngành tài chính chưa có cơ chế một cửa liên thông, người sử dụng đất phải nộp 2 bộ hồ sơ cho cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế khi thực hiện thủ tục đăng ký. Tới ngày 18/4/2005, liên Bộ TN&MT và Bộ Tài chính đã phối hợp ban hành Thông tư 30 quy định việc luân chuyển hồ sơ của người sử dụng đất giữa 2 cơ quan và chỉ phải nộp 1 bộ.
Mô hình liên thông điện tử đất đai tạo đột phá trong giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: MH
Song, việc thực hiện luân chuyển là thủ công, chưa có sự kiểm tra kết nối các thông tin có liên quan tới hồ sơ thửa đất và người nộp thuế nên còn mất nhiều thời gian, kinh phí nhân lực. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Tài Chính đã có Công văn số 3690 gửi Bộ TN&MT về việc phối hợp chỉ đạo trao đổi thông tin giữa 2 cơ quan thuế và cơ quan TN&MT. Liên Bộ đã giao Tổng cục Quản lý đất đai và Tổng cục Thuế phối hợp thực hiện. Đồng thời, thí điểm tại 8 địa bàn là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương.
Theo Báo cáo tổng kết việc thí điểm mô hình liên thông giữa ngành thuế và Văn phòng Đăng ký đất đai của Tổng cục Thuế, từ năm 2015, Bộ TN&MT và Bộ Tài chính đã phối hợp triển khai thực hiện kết nối liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất của các hộ gia đình, cá nhân.
Qua 3 năm thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố cho thấy nhiều kết quả khả quan, một số tỉnh đã hoàn thành việc triển khai trên toàn địa bàn với tỷ lệ hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết bằng phương thức trao đổi thông tin điện tử liên thông cao như: Bình Dương 9/9 quận, huyện với tổng số hồ sơ trao đổi là 65,3% và 82,95 trong số đó, được trả kết quả điện tử; Đà Nẵng 7/8 quận huyện với tổng số hồ sơ 58,61% và 98,40% được trả kết quả điện tử; Trà Vinh 9/9 quận huyện với tổng số hồ sơ là 74,43% và 99,95% trong số đó trả kết quả điện tử…
Công tác quản lý Nhà nước đạt kết quả đáng ghi nhận như: Thời gian giải quyết hồ sơ giảm từ 5 ngày xuống 3 ngày; thay đổi căn bản quy trình, nghiệp vụ trao đổi thông tin khi xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai giữa 2 cơ quan; nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính về đất đai cho người sử dụng đất; tạo sự công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính…
Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Xuân Hà,khi áp dụng mô hình này, hồ sơ đăng ký đất đai của người dân sẽ được cơ quan Đăng ký đất đai điện tử hoá thành cơ sở dữ liệu và chuyển sang cơ quan thuế qua kênh trao đổi thông tin điện tử giữa hai ngành.
Cơ quan thuế cũng trả kết quả thông báo nghĩa vụ tài chính cho người dân sang cơ quan đăng ký đất đai qua phương thức điện tử. Mọi thông tin trao đổi về hoàn thiện, điều chỉnh hồ sơ, hoàn thành nghĩa vụ tài chính giữa hai cơ quan đều được thực hiện qua đường truyền dữ liệu và làm căn cứ để cơ quan đăng ký đất đai cấp quyền sử dụng cho người dân; cơ quan thuế thực hiện đôn đốc thu nộp tiền vào ngân sách Nhà nước.
“Áp dụng mô hình này, thông tin trao đổi giữa cơ quan Đăng ký đất đai và cơ quan Thuế nhanh chóng, chính xác, giảm được thời gian xác định nghĩa vụ tài chính và trả kết quảtừ 5 ngày làm việc trước đây xuống còn 3 ngày làm việc, nhận được sự đánh giá cao của người dân” - Thứ trưởng Trần Xuân Hà nói.
Hiện nay, đã có một số tỉnh thành phố đề nghị được hỗ trợ triển khai mô hình liên thông điện tử giữa 2 cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai là: Đồng Tháp, Long An, An Giang, Bình Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Huế, Cà Mau, Đắk Lắk, Tiền Giang và Phú Yên.
Rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định
Mặc dù đạt được các kết quả khả quan, song vẫn còn một số vướng mắc. Cụ thể về một số quy định và thủ tục hồ sơ; về đầu mối kết nối trao đổi thông tin của cơ quan đăng lý đất đai và cơ quan thuế; về ứng dụng nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng; về cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; cơ sở dữ liệu; tài chính.
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình trao đổi thông tin.
Để khắc phục những vướng mắc này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa giao Tổng cục Quản lý đất đai là đơn vị đầu mối trong trao đổi, phối hợp với Tổng cục Thuế thực hiện rà soát và kiến nghị sửa đổi các quy định về liên thông, kết nối điện tử trong thủ tục hành chính về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, Giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai (kể cả tổ chức và hộ gia đình, cá nhân); chỉ đạo, giám sát, vận hành hệ thống đảm bảo cho việc kết nối liên thông hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước.
Đồng thời, chủ động sửa đổi quy chế phối hợp mẫu giữa cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai và cơ quan quản lý Nhà nước về thuế để đảm bảo các thủ tục hành chính ngày càng được kiểm soát chặt chẽ và cải cách theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch, cắt giảm chi phí, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý Nhà nước, đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Quản lý chặt chẽ việc sử dụng chữ ký số để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình trao đổi thông tin.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố thực hiện mô hình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị, căn cứ điều kiện thực tế địa phương, xây dựng và ban hành quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư số 88/2016/TTLT/BTC-BTNMT ngày 22/6/2016; quan tâm đầu tư trụ sở làm việc và kho lưu trữ tài liệu cho Văn phòng Đăng ký đất đai; phê duyệt kế hoạch và bố trí kinh phí đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin cho Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh để đảm bảo vận hành hiệu quả hệ thống trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế và cơ quan đăng ký đất đai.
Trường hợp chưa được đầu tư, cho phép thực hiện triển khai hình thức thuê doanh nghiệp CNTT thực hiện dịch vụ cho thuê từng phần hoặc thuê trọn gói, bao gồm: Phần cứng, phần mềm, đường truyền, giải pháp... theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP để đảm bảo khẩn trương triển khai các giải pháp kết nối trao đổi thông tin với cơ quan Thuế…
Đối với Sở TN&MT, cần xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị, chữ ký số, đường truyền, cài đặt, đào tạo vận hành phần mềm liên thông thuế và bảo trì khắc phục các lỗi phát sinh trong quá trình thực hiện; chỉ đạo cụ thể Văn phòng Đăng ký đất đai và thường xuyên theo dõi giám sát quá trình triển khai kết nối trao đổi thông tin theo hình thức điện tử, kịp thời báo cáo và đưa ra giải pháp hỗ trợ các cơ quan trực tiếp triển khai tránh tình trạng các vướng mắc, khó khăn, tồn tại kéo dài gây ảnh hưởng đến quá trình triển khai. Trường hợp cần thiết, Sở và Cục Thuế phối hợp trình UBND tỉnh thành lập Tổ chỉ đạo hoặc Tổ triển khai kết nối trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan TN&MT tại địa phương.