Ông Nông Văn Thắng bên cạnh cây sưa 13 năm tuổi, có giá khoảng hơn 400 triệu đồng của gia đình.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi về huyện Chương Mỹ cho phép người dân thôn Phụ Chính (xã Hòa Chính) bán đấu giá cây sưa trên 130 năm tuổi. Cây sưa này có chiều cao khoảng trên 10m, đường kính trên 1m, cỡ 2 người ôm. Thời điểm sốt giá, cây sưa này từng được thương lái trả giá 100 tỷ đồng.
Năm 2010, một nhánh của cây sưa này bị gãy đổ và sau đó, người dân đem bán theo hình thức đấu giá cho một đại gia gỗ ở Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) với giá 20,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, qua thời gian, cây sưa này đang có dấu hiệu chết dần, nhiều phần bị mục khô. Liệu nó có còn được định giá cao ngất ngưởng như trước nữa không?
Về vấn đề này, ngày 15/10, ông Nông Văn Thắng (SN 1955) – người được mệnh danh là “vua sưa đất Bắc”, đang sở hữu vườn sưa hơn 2.000 gốc ở huyện Hàm Yên, Tuyên Quang cho hay, hiện nay, dù đã hết sốt nhưng gỗ sưa trên thị trường vẫn có giá rất cao so với các loại gỗ khác.
Riêng về phần lõi, lõi sưa đỏ có đường kính từ 10-15cm có giá 2-3 triệu/kg; loại lõi 15cm trở lên có giá hơn 10 triệu/kg, loại lõi 40cm trở lên có giá 40-50 triệu/kg.
Về cây sưa ở làng Phụ Chính (xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ông Thắng cho hay: “Cây sưa đã có dấu hiệu mục ruỗng nhưng đó chỉ là phần vỏ, còn phần lõi của cây khó mà bị mục. Dù chưa tận mắt chứng kiến nhưng dựa vào giá cả thị trường, tôi định giá cây sưa này rơi vào khoảng 50 tỷ đổ lại chứ không đến 100 tỷ”.
Cây sưa ở làng Phụ Chính đang có dấu hiệu của mục ruỗng, khô phần vỏ.
Ông Thắng cho biết thêm, những ngày tới, khi buổi đấu giá cây sưa ở làng Phụ Chính diễn ra, ông dự định sẽ rủ những người trong hiệp hội trồng sưa ở Tuyên Quang xuống Hà Nội xem.
Ông Nguyễn Văn Hùy (Bắc Ninh), một đại gia buôn gỗ sưa có tiếng ở Đồng Kỵ, người từng bỏ 26 tỷ đồng để mua cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc (Bắc Ninh) cho hay, cây sưa được định giá đến 100 tỷ là điều khó có thể xảy ra.
“Tôi đi mua gỗ sưa nhiều nhưng chưa bao giờ tôi gặp cây nào được phát giá lên tới 100 tỷ đồng cả. Mọi người cứ nói, đó là thời kỳ cao điểm nhất nhưng đó cũng chỉ là đồn thổi hoặc thương lái trả vu vơ chứ chắc chắn không có giá đó”, ông Hùy nói.
Ông Hùy cho biết thêm, ngày trước, khi ông mua cây sưa ở đình làng Đông Cốc, người dân nói đã có người trả 49 tỷ đồng nhưng đến lúc đề nghị giao tiền, chặt cây thì người mua không thấy quay lại.
Theo vị đại gia Đồng Kỵ, gỗ sưa quý nhất ở phần lõi, vì vậy, khi mua bán phải khoan đo, tính toán rất cẩn thận.
Khi bỏ ra số tiền 26 tỷ đồng để mua cây sưa 200 tuổi ở làng Đông Cốc, ông Hùy đã tính toán kỹ lưỡng và cây sưa này lõi vẫn khá tốt, thế nhưng đến nay, ông tính vẫn bị lỗ. Trong khi đó, cây sưa ở làng Phụ Chính hiện nay có tuổi đời ước tính 130 năm, lại đang có dấu hiệu mục ruỗng.
Khi được hỏi về việc tham dự đấu giá mua cây sưa ở làng Phụ Chính, ông Hùy chia sẻ: “Tôi chưa được tận mắt nhìn cây nhưng qua hình ảnh và thông tin báo chí, cây sưa đó kể cả 50 tỷ tôi cũng không mua chứ đừng nói 100 tỷ. Ngoài ra, tôi cũng không tham gia vì rất ngại việc thủ tục mua bán ở khu vực đó. Ngày trước có người mua cành hơn 20 tỉ mà giờ vẫn chưa giải quyết xong”.
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý cho phép người dân ở thôn Phụ Chính bán cây sưa từng được trả giá nhiều tỷ...