Xuất khẩu khởi sắc
Theo thống kê của Bộ NNPTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng năm 2018 đã đạt 1,4 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đạt 320 triệu USD, tăng 34,25% so với cùng kỳ 2017.
Tại diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 3, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, có thể thấy một tín hiệu rất đáng mừng là giá cá tra ở ĐBSCL đang tăng, trong cả chuỗi, từ sản xuất giống đến nuôi trồng, doanh nghiệp chế biến đều có lãi và đã xây dựng được chuỗi khép kín, hoạt động hiệu quả.
Trước sức hút từ giá cá tra tăng "nóng", nông dân nhiều nơi đã đào ao nuôi cá
“Để có được điều đó là nhờ Nghị định 55 và Thông tư 07 về quản lý sản xuất cá tra đã phát huy hiệu quả, hiện sản phẩm cá tra đã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát được đến từng cơ sở, để xem nguy cơ ở đâu. Có một điều đáng ghi nhận là những thị trường truyền thống và tiềm năng như Mỹ đã được phục hồi.
Nếu như năm trước, truyền thông cố tình bôi bẩn sản phẩm cá da trơn của Việt Nam, thì nay nhờ sự chủ động trong truyền thông của ngành công thương, NNPTNT, con cá tra đã lấy lại được uy tín. Hiện giá cá tra ở mức 34.000 – 35.000 đồng/kg, giúp người nuôi có lãi” – ông Luân nói.
Đặc biệt là Mỹ đã giảm thuế chống bán phá giá cá tra của Việt Nam xuống mức thấp nhất, chỉ 0,41%, đồng thời công nhận hệ thống quản lý cá da trơn của Việt Nam tương đương Mỹ. Đây là tín hiệu tốt cho cá tra, không chỉ tại Mỹ mà nhiều thị trường khác như EU, con cá tra cũng được đổi mới về hình ảnh.
Xuất khẩu khởi sắc nên vài tuần nay, giá cá tra giống lại tăng kỷ lục khiến nhiều nông dân rục rịch đào ao nuôi cá. Bất chấp nước lũ tràn đồng, nông dân các huyện khu vực Đồng Tháp Mười (Long An) đã be bờ ồ ạt, đào ao ương cá.
Ương cá tra giống tại Đồng Tháp Mười. Ảnh: T.L
"Tại xã đang có khoảng 100ha đất lúa được nông dân đào ao ương cá, bất chấp khả năng bị chính quyền địa phương xử phạt. Ở đây, 1-2ha đất làm lúa quanh năm chỉ đủ ăn. Nhưng 1ha ao ương cá sau 1 năm có thể thành triệu phú”. Ông Nguyễn Văn Thơi |
Nguy cơ “khủng hoảng thừa”
Thời điểm này, cánh đồng thuộc ấp Vĩnh Bửu (Vĩnh Đại, Tân Hưng, Long An) nước lũ ngập lút đầu. Thế nhưng trước sức hút từ giá cá tra tăng “nóng”, ông Nguyễn Văn Thơi vẫn thuê máy Kobe đào ao ương cá tra. Đang mùa lũ, ông Châu phải cho người be bờ xung quanh ngăn nước tràn, rồi đưa Kobe vào đào đất.
“Đất này trước đây làm lúa, giờ tôi thuê lại nuôi cá. Tôi định chờ nước lũ rút mới cho Kobe vào đào ao, nhưng thấy giá cá tra tăng cao nên tranh thủ làm luôn” - ông Thuê bộc bạch.
Cách đó không xa, một ao ương cá tra rộng cả hecta của con trai ông Châu cũng vừa được đưa vào sản xuất. “Ao đó ương được một vụ rồi, thắng lớn” - ông cười hể hả.
Ông Nguyễn Văn Thơi - một nông dân cho thuê Kobe tại địa phương cho biết, tại huyện Tân Hưng, sau các xã Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà, Thạnh Hưng, Hưng Thạnh... nông dân xã Vĩnh Đại cũng đang ồ ạt chuyển đất lúa sang đào ao ương cá, thậm chí ngay trong mùa nước lũ đang tràn đồng.
Theo ông Thơi, tại xã này đang có khoảng 100ha đất lúa đã được nông dân đào ao ương cá, bất chấp khả năng bị chính quyền địa phương xử phạt. “Ở đây, 1-2ha đất làm lúa quanh năm chỉ đủ ăn. Nhưng 1ha ao ương cá sau 1 năm có thể thành triệu phú” - ông Thơi chia sẻ.
Chính vì lợi nhuận khủng từ ương cá tra giống, nên ngay sau nước lũ rút, ông Thơi cho biết sẽ cho Kobe đào 3-4ha đất làm ao ương cá tra. Hiện ông có hơn 50ha đất trồng lúa.
Ông Thơi tính, 1ha ao sẽ cho thu hoạch trung bình hơn 7 tấn cá tra giống. Hiện cá tra giống (loại 30-40 con/kg) có giá khoảng 60.000 đồng/kg (tăng gấp 3-4 lần so với cách đây hơn 1 tháng), sau khi trừ chi phí, nông dân có thể thu lợi nhuận 200-300 triệu đồng.
Nhiều nông dân ương cá tra giống tại Đồng Tháp Mười nhận định, mặc dù thời tiết hiện nay không thuận lợi, một số diện tích ao nuôi cá bị nhiễm bệnh (gan, thận mủ; trắng gan, mang; thối đuôi, xuất huyết...) làm giảm đầu con. Tuy nhiên, do giá cá ở mức cao nên nhiều hộ nuôi cá tra giống vẫn có lợi nhuận, thậm chí hàng trăm triệu đồng/ha.
Theo UBND huyện Tân Hưng, do lợi nhuận từ nuôi cá tra giống cao hơn gấp nhiều lần so với trồng lúa, chỉ trong thời gian ngắn, nông dân huyện Tân Hưng đã tự ý chuyển đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi cá với diện tích gần 1.100ha, với hơn 800 hộ nuôi.
Đại diện UBND huyện cho biết, thời gian qua, huyện Tân Hưng lập biên bản xử phạt hành chính hàng chục trường hợp với số tiền hàng trăm triệu đồng vì có hành vi tùy tiện chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An Phạm Phú Hùng, hiện tỉnh có trên 1.300ha ao nuôi, trong khi nhu cầu con giống cá tra hiện tại chỉ cần trên 600ha là đủ cung ứng cho thị trường. "Nông dân cần bình tĩnh, cẩn trọng đầu ra của con cá tra giống..." - ông Hùng chia sẻ.