1. Năm nào họa sĩ Thành Chương gửi tranh đi triển lãm ở Nhật (hay Hàn Quốc tôi không nhớ rõ). Khi vận chuyển, tranh mới vẽ có một chỗ màu bị rụng ra hay xước mất bằng hạt đỗ.
Phía đối tác gọi điện về Việt Nam cho Thành Chương. Ông hỏi bị lỗi bằng bao nhiêu? Bạn trả lời bằng thế, bằng thế.
Sợ bạn tốn phí, Thành Chương bèn bảo, các anh lấy màu chấm vào. Bạn bảo: Ấy chết sao chúng tôi dám làm thế?
Vài ngày sau bạn quay lại Việt Nam, hai người mang cái tranh kia về Hà Nội và mời đích danh tác giả là Thành Chương đến sửa chữa. Vết phai màu chỉ là hạt đỗ, Thành Chương trong mấy phút lấy màu và cọ chấm vào là xong.
Máy bay lại bay về xứ kia để kịp triển lãm.Vết chấm này giá trị 2 vé máy bay 1.000 USD, tiền ăn ở khách sạn 3 ngày cho 2 người 1.500 USD nữa, là 2.500 USD.
Tranh Quê hương – 1952, chất liệu sơn dầu 6m x 3m của họa sĩ Nguyễn Văn Thiệu (cha của nhà văn Nguyễn Văn Thọ)
2. Cha tôi để lại bức tranh Bãi bốc vác chiếu cho tôi khi lấy vợ đầu. Tôi đi Đức, để lại tranh cho vợ cũ. Mẹ con nó sửa nhà, bị thợ lỡ có mảnh gỗ chọc vào sau tranh. Lâu ngày vết đó là vải bố mục mất màu, cũng bằng hạt đỗ.
Tranh sơn dầu, mỗi lần nhìn thấy tôi áy náy, bèn bảo Thành Chương đến nhà xem và nhờ ông phục chế. Thành Chương đến xem rồi nhẩn nha bảo: Ối chao ơi, tôi nào dám chữa tranh của bố ông. Để vậy, để vậy!
Nay trao lại tranh này cho con gái trưởng vẫn có lỗi ấy.
Việc các ca sĩ nổi tiếng ký tên lên bức tranh bán đấu giá của họa sĩ Hứa Thanh Bình đang gây ồn ào, bức xúc.
3. Các họa sĩ tặng tranh tôi khá nhiều. Có tranh rất đẹp và hầu như toàn họa sĩ có tên tuổi, song ai cũng ký tặng ở mặt sau tranh với có khi một dòng ghi tên người, năm tháng... Kể cả là phiên bản.
Nhiều nhà văn tặng sách hay báo có in chung nhiều tác giả chỉ cẩn thận ký tặng ai thì ghi đúng vào nơi có tác phẩm của mình, ấy là để tỏ lòng tôn trọng bản quyền và các tác giả khác.
....
Mấy lời gọi là văn hóa. Đấy là sự hiểu biết về văn hóa, về ứng xử với văn hóa, để xem ra sự nực cười của điều còn mông muội ở xã hội của một số người lam nham, nông cạn lắm mà cứ tưởng hay!