Dân Việt

Cục Chăn nuôi: Phải giảm giá lợn hơi, dù nhiều người không đồng ý

Nguyên Vỹ 17/10/2018 14:20 GMT+7
Bên lề hội chợ triển lãm quốc tế Vietstock năm 2018, ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi khẳng định như thế trước 2 luồng quan điểm của người chăn nuôi sau lời kêu gọi của Bộ NN&PTNT.

Trước đó, Bộ NNPTNT cho rằng mức giá bán thịt lợn hiện quá cao và đề nghị đề nghị doanh nghiệp kiềm chế giá thịt xuống mức hợp lý dưới 50.000 đồng/kg.

Sau lời đề nghị này, thị trường thịt lợn phía Nam hình thành 2 luồng quan điểm trái ngược nhau.

img

Thị trường thịt lợn hơi đang hình thành 2 luồng quan điểm trái ngược sau lời kêu gọi kéo giảm giá bán heo hơi của Bộ NN&PTNT. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo đó, một bộ phận người chăn nuôi tỏ ra không đồng tình với lời kêu gọi vì sau một thời gian chịu thua lỗ kéo dài do giá thấp, nay với mức giá hiện tại, họ đang bắt đầu có thể gỡ lại vốn đã bị thua lỗ trước đó.

Một bộ phận khác lại cho rằng cần phải có giải pháp hạ nhiệt đang tăng quá cao hiện nay. Hệ lụy được chỉ ra là người dân, doanh nghiệp sẽ lại ồ ạt tăng đàn, tái đàn dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu, khủng hoảng rớt giá lại tái diễn.

Ông Nguyễn Xuân Dương nói không biết có 2 luồng quan điểm như vậy. Tuy nhiên, quan điểm của Cục Chăn nuôi là vẫn phải kéo giảm giá bán xuống. Với giá bán khoảng 45.000 đồng/kg, doanh nghiệp đã có lãi. Ngành chăn nuôi nên duy trì ở mức giá này để đảm bảo tính bền vững.

img

Quyền Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng vẫn phải kéo giảm giá bán lợn hơi hiện nay xuống để đảm bảo tính bền vững. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết việc một bộ phận người chăn nuôi tỏ ra phản đối cũng là dễ hiểu.

“Cụ thể, quan điểm của bộ phận này tỏ ra không hài lòng với công tác điều hành của lãnh đạo ngành. Thời điểm giá rớt thảm thì không thấy động thái nào tích cực. Đến giờ, giá mới lên tý lại bảo kéo xuống", ông Đoán diễn giải. 

Tuy nhiên, quan điểm của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai là tán thành việc kéo giảm mức giá lợn hơi xuống. “Không nên để giá quá cao như hiện nay vì sẽ không bền vững. Mức giá trong nước hiện cao gấp đôi giá heo thế giới, ngành chăn nuôi trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt”.

Về việc người chăn nuôi không tán thành thịt lợn nhập khẩu, ông Đoán cũng cho rằng quan hệ thương mại trong hội nhập kinh tế bắt buộc phải chấp nhận điều đó. Người chăn nuôi phải tìm cách hạ giá thành xuống mới có thể cạnh tranh được.

Hiện tại, giá lợn hơi thu mua trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn ổn định ở mức cao. Theo đó, giá heo hơi hôm nay hiện đang dao động ở mức 52.000 - 53.000 đồng/kg, thậm chí có người bán được heo siêu với giá 54.000 đồng/kg.

Phát biểu khai mạc hội chợ triển lãm quốc tế ngành chăn nuôi, thủy sản và chế biến thịt Vietstock 2018, ông Nguyễn Xuân Dương vẫn khẳng định nhờ sự vào cuộc của Chính phủ, của doanh nghiệp, ngành chăn nuôi đã vượt qua được nhiều khó khăn trong năm 2017.

img

Ngành chăn nuôi phải tiếp tục đầu tư kỹ thuật, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng. Ảnh: Nguyên Vỹ

Doanh nghiệp và người chăn nuôi cả nước đồng lòng tái đầu tư mở rộng quy mô, thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Điển hình như việc xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản năm 2017, xuất khẩu thịt lợn đông lạnh sang Myanmar năm 2018. Về giá trị kinh tế có thể chưa lớn nhưng xét ở khía cạnh thương hiệu trong hoạt động thương mại có ý nghĩa rất lớn.

Tất nhiên, ngành chăn nuôi trong nước cũng còn tồn tại không ít hạn chế, đặc biệt là khâu chế biến và kết nối thị trường. “Chúng ta phải tiếp tục đầu tư phát triển kỹ thuật, áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, đảm bảo VSATTP, tích cực khai thác các thị trường để mang lai nhiều lợi ích hơn nữa cho cả người chăn nuôi và doanh nghiệp”, ông Dương chia sẻ.

Với hơn 360 gian hàng trưng bày đến từ 46 quốc gia, Triển lãm Vietstock 2018 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

Triển lãm tổ chức tại TP.HCM từ ngày 17 – 19.10, dự kiến sẽ thu hút 12.000 lượt khách tham quan đến từ Việt Nam và các nước láng giềng. Triển lãm mang đến những sản phẩm, giải pháp về công nghệ cũng như cơ hội hợp tác đầu tư giúp sản phẩm thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt cải thiện chất lượng VSATTP, nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bên lề Triển lãm, nhiều hội thảo chuyên ngành chăn nuôi, thủy sản, chế biến thịt cũng được tổ chức để chia sẻ các vấn đề ngành chăn nuôi quan tâm.