Dân Việt

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2011

27/12/2011 06:28 GMT+7
(Dân Việt) - Nhìn lại bức tranh nền kinh tế năm 2011 có thể nhận thấy có nhiều mảng tối và không ít thách thức cho năm 2012. Nhưng giữa những khó khăn, thách thức đó, có những điểm sáng đáng ghi nhận và phát huy.

Báo Nông thôn Ngày nay và Báo điện tử Dân Việt bình chọn 10 sự kiện nổi bật trong năm.

1. Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát

Lạm phát có xu hướng tăng cao ngay từ những tháng đầu năm 2011, người dân lo ngại đồng tiền mất giá đã đổ xô đi mua vàng, giá cả các mặt hàng tăng cao, nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng chóng mặt...

Trước tình hình đó, tháng 2.2011 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 với nhiều biện pháp quyết liệt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Kết quả, mặc dù lạm phát cuối năm xấp xỉ 19%, tuy nhiên đã có dấu hiệu giảm nhiệt để phấn đấu sang năm 2012 chỉ số này chỉ ở mức 1 con số.

2. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế

Ngày 10.10, kết thúc Hội nghị lần thứ 3, Ban chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã đưa ra quyết định rất quan trọng là phải tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Theo đó, trong 5 năm tới, sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

3. Xuất khẩu gạo cán đích 7 triệu tấn

Năm 2011, sản lượng gạo xuất khẩu cán đích 7 triệu tấn. Sự thành công trên đấu trường quốc tế của gạo Việt cũng thể hiện ở góc độ giá đuổi kịp gạo Thái Lan ở một số thời điểm, hay thiết lập chặt chẽ các mối quan hệ bạn hàng truyền thống với Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore và mở ra nhiều thị trường mới quan trọng như Bangladesh, Bờ Biển Ngà, Senegal...

4. Xuất khẩu nông sản thắng lợi kép

Năm 2011 giá cả hàng nông lâm thủy sản trên thị trường thế giới tăng mạnh, cùng với sản xuất trong nước được mùa đã tạo nên thắng lợi kép "được mùa, được giá". Nhờ vậy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản cả năm nay đạt 25 tỷ USD, tăng thêm hơn 5 tỷ USD so với năm 2010.

img
Sản xuất nông nghiệp đã có một năm trúng mùa, lượng nông sản xuất khẩu tăng cao.

Nông sản trở thành ngành tiên phong đạt giá trị xuất siêu với 9,2 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu cho cả nước. Nhờ xuất khẩu tăng mạnh nên các loại nguyên liệu nông - lâm - thủy sản trong nước được tiêu thụ khá thuận lợi với giá cao, kích thích sản xuất phát triển, nông dân tăng thu nhập.

5. Lần đầu tiên sáp nhập 3 ngân hàng

Ngân hàng là một trong những lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm của nền kinh tế được chỉ đạo phải tái cơ cấu. Những tháng cuối năm 2011 chứng kiến sự hợp nhất của 3 ngân hàng SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, dưới sự "đỡ đầu" của BIDV. Đây là một động thái quyết liệt, quan trọng của NHNN để đưa lĩnh vực này vào hoạt động quy củ, tạo điều kiện ổn định thị trường vốn, tiền tệ trong những năm tới.

6. Gần 50.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động

Chủ trương siết chặt tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát là một trong những tác nhân khiến “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2011 trở lên lao đao. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ KHĐT, chỉ tính 9 tháng của năm 2011, cả nước đã có gần 50.000 doanh nghiệp (chiếm 9% trong tổng số) phải đóng cửa. Con số này vượt gấp đôi cùng kỳ năm 2010.

7. “Nóng” chuyện lỗ - lãi kinh doanh xăng dầu

Câu chuyện lỗ - lãi trong kinh doanh xăng dầu được 2 Bộ trưởng Tài chính và Công Thương tranh luận tại một cuộc hội thảo cuối tháng 9.2011 đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận dài, tốn nhiều giấy mực của báo giới. Tiếp đó, hàng loạt các thông tin được 2 bộ này công bố và sau kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, trong đó có Petrolimex - doanh nghiệp chiếm 65% thị phần, dư luận đã phần nào thấy được “góc tối” của kinh doanh xăng dầu với nhiều lỗ hổng của các cơ quan quản lý, đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp xăng dầu trục lợi.

8. Giá vàng “điên loạn” và SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia

Liên tục phá những mốc kỷ lục 46 - 47 - 48 và 49 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng hơn 1 tuần lễ (từ 15.8 - 23.8), giá vàng trong nước lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay ở 49,2 triệu đồng/lượng vào trưa 23.8. “Cơn điên loạn” của thị trường vàng đã để lại hệ quả khó lường đối với các chính sách điều hành kinh tế trong năm 2011, buộc NHNN phải xây dựng lộ trình quản lý thị trường này với động thái quan trọng là quy thị trường về một mối qua việc cho phép SJC trở thành thương hiệu vàng miếng quốc gia.

9. Bất động sản, chứng khoán vào giai đoạn bĩ cực

Thị trường đi xuống thảm hại dẫn đến việc thanh khoản sụt giảm, thị giá nhiều cổ phiếu xuống rất thấp. Không ít cổ phiếu đã mất tới 80- 90% giá trị so với đầu năm 2011. Cá biệt có những cổ phiếu chỉ có mệnh giá vài trăm đồng, chưa đáng giá bằng nửa cốc trà đá. Cùng với chứng khoán, bất động sản những tháng cuối năm 2011 rơi vào tình trạng đóng băng và rớt giá thê thảm. Nhiều dự án phải rao bán dưới giá gốc vẫn không có người mua.

Hệ lụy của cơn "bĩ cực" từ 2 thị trường này đã kéo theo trong năm 2011 có hàng loạt vụ vỡ nợ lớn xảy ra tại khắp các tỉnh thành trên toàn quốc. Các đại gia vỡ nợ đều do các khoản vay ngân hàng đến hạn trả mà không có khả năng thanh toán.

10. “Cuộc chiến” lãi suất ngân hàng

“Cuộc chiến” xung quanh lãi suất ngân hàng là vấn đề gây đau đầu không chỉ NHNN, các NHTM mà ngay cả với những khách hàng gửi tiền đã diễn ra gần như trong suốt cả năm 2011. Lãi suất bắt đầu leo thang kể từ đầu tháng 5.2011, có thời điểm huy động VND lên đến 20%/năm, lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn lên 16,5- 20%/năm, cho vay phi sản xuất từ 25-28%/năm. Và NHNN chỉ thực sự kiểm soát được trong một vài tháng cuối năm sau hàng loạt các biện pháp mạnh như xử lý cắt chức lãnh đạo các NH bị phát hiện vi phạm quy định trần lãi suất 14%, bơm vốn cho các NHTM yếu thanh khoản và ổn định tâm lý bằng lộ trình tái cơ cấu hệ thống NH.