Sáng 17.10 tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ thu đông, mùa và cả năm 2018; Triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2018 – 2019 tại các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long”.
Mặc dù còn nhiều khó khăn như khô hạn, xâm nhập mặn, sâu bệnh,...nhưng đến nay sản xuất lúa vụ Thu Đông, Mùa 2018 tại các tỉnh Nam Bộ cơ bản đạt kế hoạch.
Báo cáo tại hội nghị, ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Văn phòng đại diện Cục Trồng trọt tại TP.HCM cho biết, nhìn chung, sản xuất vụ thu đông, mùa 2018 diễn ra trong tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên lũ về sớm, mực nước lũ cao hơn cùng kỳ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu và đe dọa sản xuất lúa thu đông.
Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là tình trạng khô hạn, nước mặn xâm nhập cuối vụ còn diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt là muỗi hành xuất hiện và gây hại trên các diện tích sạ muộn ngoài lịch khuyến cáo. Rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá phát sinh cục bộ tại một số tỉnh và có chiều hướng phát triển lây lan trên diện rộng.
Thị trường tiêu thụ nông sản biến động, một số sản phẩm có giá thấp như: mía, mè, dưa hấu… tiêu thụ khó khăn, nông dân sản xuất không có lãi trong khi giá cả luôn biến động và diễn biến khó lường, nhất là giá các vật tư đầu vào chủ yếu như: Thuốc BVTV, phân bón… có chiều hướng tăng cao.
Ngoài ra, giá bán một số cây ăn quả, cây công nghiệp chủ lực đang ở mức cao như bơ, sầu riêng, hạt điều, cà phê ngoại trừ giá cao su, hồ tiêu đang ở mức thấp nhất trong những năm gần đây.
Theo đánh giá của đại diện Cục Trồng trọt, công tác triển khai vụ thu đông, mùa 2018 tại các tỉnh vùng Nam Bộ đã được tiến hành sớm và có nhiều giải pháp chỉ đạo thích ứng với tình hình dự báo lũ. Các địa phương tăng cường khuyến cáo nông dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nhằm hạn chế mức thấp nhất tác hại do thiên tai cũng như dịch bệnh, góp phần giảm giá thành trong sản xuất. Đến nay sản xuất vụ thu đông, mùa 2018 tại các tỉnh Nam Bộ cơ bản đạt được các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Danh cảnh báo vụ Đông Xuân sắp tới ngành sẽ còn phải đối phó với xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu, sâu bệnh còn phức tạp, không lơ là được. Ảnh: HQ
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá cao các địa phương các tỉnh Nam Bộ đã tuân thủ chỉ đạo chung, chỉ đạo công việc sát sao, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, góp phần đạt được những kết quả tốt trong những mùa vụ vừa qua.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng biểu dương các đơn vị của Bộ như Tổng Cục Thủy lợi, Cục Trồng trọt, Cục BVTV đã phối hợp tốt với nhau, lên kế hoạch, lịch mùa vụ rất sát với tình hình thực tế sản xuất.
Ông Lê Quốc Doanh chỉ đạo: “Vụ đông xuân sắp tới là mùa vụ quan trọng nhất trong năm, do đó cần quan tâm cao độ, chủ động mùa vụ sớm để tránh hạn mặn gây thiệt hại do năm nay vùng ĐBSCL được dự báo mặn có thể xâm nhập sớm. Về cơ cấu giống lúa, tập trung sản xuất để xuất khẩu, trong đó tỷ lệ lúa thơm và lúa chất lượng cao chiếm 70% (35% mỗi loại), nếp 10%. Những nơi ngập mặn sử dụng các giống chống chịu mặn tốt. Không chủ quan với tình hình sâu bệnh, phải dự tính, dự báo để chủ động phòng ngừa, tránh để bùng phát dịch, nhất là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, đạo ôn".
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, các địa phương cũng cần chủ động ứng phó hạn mặn, rút kinh nghiệm những năm trước, tiếp tục theo dõi các diễn biến của thời tiết, khí tượng, thủy văn để có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tế. Chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho mùa vụ mới.