Dân Việt

NamABank có gì trước khi lên sàn UPCoM?

Quốc Hải 18/10/2018 08:21 GMT+7
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 của NamABank khá khả quan trước thời điểm thực hiện chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM và sau đó niêm yết trên sàn HOSE.

img

Ngân hàng Nam Á (NamABank) sắp được đăng ký giao dịch trên UPCoM (Ảnh: IT)

Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) vừa có thông báo về việc chốt danh sách cổ đông để đăng ký giao dịch chứng khoán trên thị trường UPCoM trước khi niêm yết trên sàn HoSE. 

Cụ thể, theo thông báo được công bố, sau ngày 22.10, thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu NamABank sẽ tạm dừng để chuẩn bị cho viêc đăng ký giao dịch trên UPCoM. Đồng thời, đến ngày 24.10, NamABank sẽ chốt danh sách cổ đông để đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM.

NamABank có gì?

Nếu so với các ngân hàng khác tại Việt Nam, có thể được xem là “bé hạt tiêu” khi tổng tài sản tới cuối năm 2016 ở mức 64.820 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.021 tỷ đồng. 

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, NamABank có tổng tài sản là 64.820 tỷ đồng, vốn điều lệ 3.021 tỷ đồng, tổng nợ xấu (các nhóm 3,4,5) là 706 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 2,94% (đầu năm là 0,92%), chưa tính nợ xấu bán cho VAMC tăng tới 12 lần trong năm 2016, từ 333 tỷ đồng lên 3.995 tỷ đồng.

Bước sang năm 2017, tình hình kinh doanh tại NamABank có sự cải thiện đáng kể khi tổng tài sản theo đó tăng từ 42.852 tỷ đồng lên 54.440 tỷ đồng. Chất lượng tài sản của Nam A Bank được cải thiện đáng kể khi số dư tài sản có khác tới cuối năm 2017 chỉ còn 1.301 tỷ đồng, giảm tới 70% so với thời điểm đầu năm (4.379 tỷ đồng). Đặc biệt, tại ngày 31.12.2017, số dư nợ xấu các nhóm 3,4,5 của NamABank là 508 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 1,4%, giảm mạnh so với mức 2,9% thời điểm đầu năm. Đồng thời, NamABank đã chủ động giảm nợ xấu bán cho VAMC, từ mức gần 4.000 tỷ đồng về 2.589 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của NamABank đạt hơn 335 tỷ đồng, gấp 3,2 lần cùng kỳ năm trước và vượt 15 tỷ so với kế hoạch lợi nhuận cả năm (320 tỷ đồng). Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu cũng giảm mạnh gần 45% với 392 tỷ đồng, từ mức 1,95% ở thời điểm 31.12.2017 xuống còn tỷ lệ 0,95%. 

Ngoài ra, tính đến 30.6.2018, tổng tài sản của NamABank đạt hơn 64.820 tỷ đồng, tăng 19,1% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 41.362 tỷ đồng, tăng 13,8%. Số dư tiền gửi của khách hàng tăng gần 21,2% đạt 48.302 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, trên thị trường OTC, giao dịch cổ phiếu NamABank chỉ dao động ở mức 8.000 - 9.000 đồng/CP (ở cả 2 chiều mua và bán).

Một số lưu ý trên báo cáo tài chính của NamABank

Một điều đáng lưu ý, trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã công bố, NamABank không nêu số liệu cụ thể về số dư trái phiếu VAMC nhưng giá trị chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành giảm mạnh từ 2.589 tỷ đồng xuống 869 tỷ đồng, tương ứng giảm 76%. Tuy nhiên, cùng với đó là số dư dự phòng trích lập tăng từ 188 tỷ đồng lên 439 tỷ đồng.

Tính đến hết quý II.2018, NamABank có 3.774 tỷ đồng tài sản Có khác, tăng mạnh so với con số 1.301 tỷ đồng của thời điểm 31.12.2017. Trong đó, các khoản phải thu cũng tăng mạnh, từ 775,7 tỷ đồng lên con số 966 tỷ đồng. 

Kế đến, tiểu mục phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng cũng tăng đột biến đạt 2.405 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 1.892 tỷ đồng của thời điểm 31.12.2017. Ngoài ra, mục chứng khoán đầu tư, NamABank đạt 8.740 tỷ đồng, giảm so với con số 10.180 tỷ đồng của thời điểm 31.12.2017, nhưng khoản trích lập dự phòng rủi ro cho khoản đầu tư này lại tăng từ 190 tỷ đồng lên mức 445 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cam kết ngoại bảng hay gọi cách khác là nghĩa vụ nợ tiềm ẩn của NamABank ghi nhận con số 1.649 tỷ đồng ở cam kết dịch vụ hoán đổi, giảm mạnh so với con số 4.684 tỷ đồng của thời điểm 31.12.2017. Ngoài ra, cam kết trong nghiệp vụ L/C giảm nhẹ từ 47,6 tỷ đồng xuống còn 46,8 tỷ đồng; Bảo lãnh khác cũng giảm nhẹ từ con số 382 tỷ đồng xuống còn 345,8 tỷ đồng.